Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lừa đảo qua mạng xã hội tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Lập facebook giả để vay mượn tiền, mua thẻ cào điện thoại, lập chương trình khuyến mãi ảo tặng quà trúng thưởng để tìm cách lấy tài khoản là những thủ đoạn mà tội phạm mạng lợi dụng CNTT tăng cường sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng internet Việt Nam.

Lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Những chiêu lừa đảo này tuy không mới, nhưng thời gian gần đây lại rất phổ biến và tinh vi nên có không ít người dễ bị sập bẫy vì quá tin tưởng và mất cảnh giác.

Lập facebook giả để lường gạt

Biết hiện nay nhiều người dùng mạng xã hội như facebook, messenger, zalo, viber để làm sợi dây kết nối tình cảm nên những kẻ lừa đảo đã lợi dụng CNTT như một thứ vũ khí lợi hại để chiếm đoạt của cải và khai thác thông tin cá nhân. Cô N. giáo viên một trường THPT ở Q.12 kể: “Cách đây một tuần, tôi bị một người mạo danh facebook của một đồng nghiệp cũ tìm cách gạ gẫm xin tài khoản và chuyển tiền ra nước ngoài để nhận quà”. Theo lời kể của cô N. mặc dù lâu ngày không gặp nhau nhưng cô và đồng nghiệp dạy chung trường trước đây là cô M. vẫn thường liên lạc với nhau qua facebook để thăm hỏi sức khỏe tình hình công việc. Hiện nay cô M. đã định cư ở nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên liên lạc. Mới đây, cô N. lang thang trên mạng để trò chuyện thì nhận được tin nhắn messenger từ tài khoản có tên “Manh Nguyen” với nội dung: “Chị sắp về Việt Nam, em có cần mua quà gì chị giúp cho”. Cô N. đáp lại: “Khi nào chị về nước, em đến nhà chị chiêu đãi kẹo bánh là được rồi”. Thấy cá chưa cắn câu, bên kia lại tìm cách dụ tiếp: “Chị sẽ gửi một số tiền về Việt Nam nhờ em mua ít món hàng gửi sang Mỹ. Nếu em giúp, chị sẽ có chi phí bồi dưỡng cho em”. Vốn là người quen với nhau nên cô N. cũng vui vẻ nhận lời, nhưng đến khi “đầu dây bên kia” xin số tài khoản thì cô N. từ chối vì thật sự cô không dùng thẻ ATM nên cũng không có số tài khoản”. Mục đích cuối cùng không thực hiện được nên từ đó trở đi cuộc trò chuyện chấm dứt. Sau này kể lại với đứa con gái cô N. mới biết mình bị gài bẫy dù chưa “dính câu” kẻ lừa đảo.

Tại Trường THPT P., Q.Bình Thạnh, một nữ giáo viên khác cũng từng bị sập bẫy do tội phạm CNTT giăng lưới. Với kịch bản mua quà tặng cho thân chủ và nhờ thân chủ mua quà giùm trước khi về nước, kẻ lừa đảo đã lấy được số tài khoản trong 2 ngân hàng của cô K. Tuy nhiên, khi chuẩn bị gửi tiền vào tài khoản thì cô K. đã được đồng nghiệp ở trường gửi tin nhắn báo trước nên kế hoạch lừa đảo đã bất khả thi.

Chiếm đoạt tiền bằng chiêu mua thẻ cào

Không chỉ với hình thức nhờ chuyển tiền ra nước ngoài hay mua quà giá trị cao rồi sau đó xin chi phí vận chuyển hoặc tiền bôi trơn, nhóm lừa đảo còn dùng chiêu xưng danh nhân viên tổng đài nợ tiền cước vài triệu đồng, nhờ mua thẻ cào điện thoại để chiếm đoạt tiền hoặc gạ gẫm xin số tài khoản người dùng. Đó là trường hợp gần đây của anh P. một giáo viên Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân ở Q.2. bị chính “cô ruột” lừa đảo. Anh P. kể: “Bữa đó cô ruột hỏi tôi các mệnh giá thẻ cào cao nhất ở Việt Nam rồi nhờ tôi mua giùm 12 thẻ loại 500.000 và trả tiền công 1 triệu. Tuy nhiên, không có sẵn tiền nên tôi phải chạy đi mượn. Cũng may khi trò chuyện với người bạn dạy chung trường, tôi mới bắt đầu hơi nghi nghi và cảnh giác. Nếu ai có lòng tham thì chắc đã dính rồi”. Đến khi anh P. gọi điện thoại cho người cô thì mới biết tài khoản facebook của cô anh bị hack.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) trong quý 1 năm 2017 tình trạng mất an toàn thông tin trên mạng internet tại Việt Nam tiếp tục gia tăng nhất là các thủ đoạn tạo website giả để đánh cắp tài khoản, lập chương trình khuyến mãi ảo mạo danh nhà mạng, website trúng thưởng giả để dụ người nạp tiền qua thẻ cào điện thoại. Đây là cách lừa đảo rất tinh vi vì rất dễ qua mặt người bị hại do bọn chúng mạo danh người nhà, quen biết nên ít ai đề phòng và cảnh giác.

Ngoài ra, nhiều người còn bị trừ tiền điện thoại bởi những đường link giả mạo mà không cần biết người dùng có đồng ý hay không. Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athene TP.HCM giải thích: “Khi người dùng click vào những link giả mạo thì một mã lệnh thực thi được kích hoạt và dùng chính số điện thoại của người dùng đăng ký các dịch vụ định sẵn trước đó. Kẻ xấu sử dụng công nghệ đăng ký, kích hoạt tự động khi người dùng sử dụng các thiết bị di động có kết nối 3G truy cập vào các trang web hay những đường link có sẵn. Người dùng không để ý và khó phát hiện vì số tiền bị trừ mỗi ngày không đáng kể”.

Trung tá Phan Văn Vui – Phó Công an P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết: “Hiện nay không chỉ lừa đảo qua mạng xã hội, bọn tội phạm còn lừa đảo qua điện thoại với phương thức và thủ đoạn tinh vi để yêu cầu nạn nhân khai rõ hiện có những tài khoản nào, yêu cầu rút về nộp cho “cơ quan pháp luật” bằng cách gửi vào tài khoản mà chúng cho sẵn. Vì thế nhiều người dân sau khi đã bị mất tiền mới biết”.

Theo Trung tá Vui, trước hết cần chú ý đến các số điện thoại giả có dấu (+) trước dãy số do chúng thực hiện qua internet: “Không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác qua mạng xã hội nếu chưa cần thiết. Tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản người khác khi không biết rõ nội dung và người được chuyển khoản. Người dân cần cảnh giác trước mọi thủ đoạn của kẻ tội phạm và báo ngay cho cảnh sát khu vực và công an phường để giải quyết”.

Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)