Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lừa đảo vay tín chấp

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ đoạn của bọn lừa đảo là phát tờ rơi đến tận các sạp chợ để dụ tiểu thương có nhu cầu vay tiền chấp nhận ứng trước một khoản tiền “trà nước” rồi sau đó biến mất dạng.

Những ngày qua, tiểu thương ở các chợ Vườn Chuối (quận 3), Xóm Chiếu (quận 4), Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) và nhiều chợ khác trên địa bàn TP HCM rất bức xúc về việc bị lừa khi vay vốn tín chấp.

Giả danh nhân viên ngân hàng

Sáng 5-3, khi chị N.T.L.A, tiểu thương buôn bán giày dép ở chợ Xóm Chiếu, mở cửa sạp thì thấy một tờ rơi nhét trong khe cửa. Tờ rơi có nội dung: “Chương trình vay tín chấp: Tìm đối tác cán bộ, nhân viên, tiểu thương, cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng (không cần tài sản thế chấp); giải quyết hồ sơ nhanh và bảo mật. Hạn mức cho vay từ 30 – 400 triệu đồng. Thời hạn vay 1-4 năm. Lãi suất 1%/tháng. Điều kiện HKTP/tỉnh/CMND. Liên hệ 09376…-A. Hải”.

Lừa đảo vay tín chấp

Đang cần vốn làm ăn, lại thấy thủ tục cho vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp nên chị L.A không ngần ngại gọi điện thoại liên hệ. Đầu dây bên kia là giọng một nam thanh niên khá thân thiện tự giới thiệu tên Hải. Sau khi hỏi địa chỉ cụ thể, ngay buổi trưa, người này có mặt tại quầy của chị.

Hải cho biết đây là chương trình vay ưu đãi dành cho tiểu thương của Ngân hàng T. nên rất nhiều người làm thủ tục vay. Để hồ sơ vay được duyệt sớm thì chỉ cần ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, số CMND theo mẫu có sẵn và nộp một khoản lệ phí “trà nước”, chỉ 3 ngày sau hồ sơ được duyệt là người vay được giải ngân. Khi biết chị L.A cần vay 30 triệu đồng, Hải yêu cầu tiền “trà nước” là 3 triệu đồng. Thấy phí “trà nước” không lớn nên chị L.A rút tiền đưa cho Hải.

Khác với chị L.A, chị P.T.P.L (tiểu thương chợ Vườn Chuối) lại phải năn nỉ kẻ lừa đảo cầm tiền. Cũng với thủ đoạn trên, chị P.L thấy nghi nên đề nghị chỉ đưa tiền “trà nước” khi đã nhận tiền vay. Thấy vậy, bọn lừa đảo lạnh lùng phán: Em là nhân viên ngân hàng (NH) nên làm ăn có trước có sau, nếu chị không tin thì thôi vậy. Thanh niên này còn thề độc: “Chị cứ thử đến trụ sở NH em mà giao dịch xem có ai cho chị vay không. Nếu có thì cũng xếp hàng chờ thứ tự chắc sang năm mới đến lượt…”. Nói xong, anh ta quay lưng bỏ đi.

Hôm sau, chị P.L đành điện thoại gọi “nhân viên NH” đến nhưng được trả lời “đang bận khách”. Chị P.L đành hẹn đúng 18 giờ sẽ lo đủ và đưa trước tiền “trà nước” 5 triệu đồng trên tổng số tiền vay 50 triệu đồng. “Đúng hẹn, kẻ lừa đảo đến, trên ngực áo có đeo bảng tên là nhân viên phòng giao dịch Techcombank. Sau khi nhận 5 triệu đồng, trước khi lên xe về, thanh niên này hẹn 3 ngày sau sẽ quay lại đưa hợp đồng để chị P.L đến NH giải ngân…

Mất hút!

Đến ngày thứ 3, chờ cả buổi vẫn không thấy nhân viên NH đến trả hồ sơ vay vốn, một số tiểu thương đã bắt đầu sốt ruột điện thoại cho Hải nhưng không liên lạc được. Chị T.T.T, một tiểu thương ở chợ Hạnh Thông Tây, cho biết cứ 15 phút chị lại gọi một lần nhưng vẫn không liên lạc được. Chờ đến ngày thứ 4, thứ 5, thứ 6… vẫn không thể liên lạc được.

Chị T.T.T than: “Tiểu thương tụi em nghèo lắm, thường phải chạy vạy từng đồng để thêm vốn mua bán. Không ngờ bị lừa cú này đau quá”. Cũng theo chị T., có nhiều người bị lừa lắm nhưng chẳng ai dám nói vì sợ xấu hổ và bọn lừa đảo thay số điện thoại liên tục, chỉ lừa mỗi chợ chừng chục vụ là chuyển địa bàn.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng trên, ban quản lý các chợ có nạn nhân trong vụ lừa đảo đều tỏ ra bất ngờ và không biết tiểu thương của mình lại bị lừa đảo dễ dàng đến thế. Bà Huỳnh Thị Lệ, Trưởng Ban Quản lý chợ Vườn Chuối, cho biết hiện ban quản lý đang xác nhận tín chấp với Sacombank cho tiểu thương vay vốn với lãi suất 0,9%/năm bằng việc thế chấp chủ quyền sạp.

Trước thực tế này, bà Lệ cam kết ban quản lý chợ sẽ thông báo rộng rãi đến các tiểu thương cảnh giác những thủ đoạn lừa đảo mới. Lực lượng bảo vệ chợ cũng sẽ tăng cường tuần tra nếu phát hiện có kẻ lừa đảo trà trộn bằng việc rỉ tai tiểu thương hay phát tờ rơi là giữ lại giao cho các cơ quan chức năng xử lý ngay.

Mạo danh

Lãnh đạo NH T. cho biết hiện NH không có chương trình nào cho vay tín chấp đối với tiểu thương các chợ bởi tiểu thương vay vốn với mục đích sản xuất, kinh doanh thì phải có tài sản bảo đảm. Hơn nữa, nếu khách hàng có nhu cầu vay vốn, NH sẽ nhận hồ sơ và mọi nội dung đều thể hiện trên hợp đồng tín dụng chứ không có chuyện thu phí trước. Do đó, khả năng đối tượng tự xưng là nhân viên NH để chào mời vay vốn, đòi thu phí là lừa đảo, khách hàng cần phải cảnh giác.

Được biết, hiện các NH, công ty tài chính đều có chương trình tiếp thị trực tiếp đến từng hộ gia đình, tiểu thương với hình thức tín chấp, thế chấp. Tuy nhiên, khách hàng có nhu cầu vay vốn nên tìm hiểu kỹ và đến phòng giao dịch, chi nhánh các NH làm thủ tục, hợp đồng tín dụng.

“Với những trường hợp đòi phí môi giới, thu phí vay vốn trước là lừa đảo và khách hàng tuyệt đối không làm theo. Nếu gặp đối tượng này, khách hàng nên thông báo cho NH để cung cấp thông tin, phối hợp xác minh đối tượng lừa đảo nhằm có biện pháp xử lý” – vị lãnh đạo này khuyến cáo. T.Phương

Ngọc Mai (NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)