Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lúa đông xuân ĐBSCL sớm bị thiệt hại do mưa dầm

Tạp Chí Giáo Dục

 Ngày 26-10, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho biết, mực nước lũ ở vùng ĐBSCL đang lên chậm. Hiện tại, mực nước đo được trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,71m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,49m; dự báo đến ngày 30-10, mực nước tại Tân Châu khoảng 2,75m, tại Châu Đốc 2,50m. Đối với vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười lũ tiếp tục lên chậm trong những ngày tới.

Do ảnh hưởng mưa dầm liên tục nhiều ngày qua, cộng nước lũ lên đã khiến hàng loạt diện tích lúa đông xuân sớm ở ĐBSCL bị ngập úng, gây thiệt hại cho nông dân.

Ông Đỗ Văn Quý, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) than thở: “Lo ngại hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt gây bất lợi cho lúa nên năm nay tôi xuống giống đông xuân sớm. Tám công lúa của tôi gieo sạ cách nay khoảng một tuần thì bị mưa dầm liên tục, nước ngập lênh láng khắp ruộng khiến lúa bị úng, thiệt hại tràn lan. Vì vậy phải sạ lại lần 2 nhưng chưa biết lúa có phát triển được không, bởi trời vẫn tiếp tục mưa”.

Vụ đông xuân 2016-2017, tỉnh Hậu Giang sản xuất 77.000ha, đến nay nông dân trong tỉnh đã xuống giống khoảng 4.000ha. Dù chủ động gieo sạ sớm để né hạn, mặn nhưng cái khó lúc này là mưa liên tục làm nhiều ruộng lúa bị ngập úng, có nơi bị thiệt hại buộc phải gieo sạ lại, tốn kém chi phí bơm rút nước và tiền giống.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chậm xuống giống, chờ thời tiết nắng trở lại mới sạ, có thể dời lịch thời vụ sang đầu tháng 11-2016.

Nhiều diện tích lúa đông xuân sớm ở Hậu Giang bị ngập úng do mưa dầm.

Tại Long An, tính đến chiều 26-10, nông dân các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh… đã xuống giống gần 42.000ha lúa đông xuân sớm. Mưa dầm khiến khoảng 7.000ha lúa giai đoạn từ 5-20 ngày tuổi bị ảnh hưởng, trong đó có 18ha ở huyện Tân Thạnh bị mất trắng, nhiều diện tích khác bị ngập úng làm lúa chết rải rác buộc phải giặm vá hoặc sạ lại.

Cùng với mưa liên tục thì những ngày qua nước lũ ở vùng Đồng Tháp Mười tăng lên đe dọa một số diện tích lúa chưa có đê bao ăn chắc.

Sở NN-PTNT tỉnh Long An phối hợp với chính quyền các huyện, khẩn trưởng gia cố đê bao, bơm rút nước chống ngập úng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ lúa bị thiệt hại…

HUỲNH LỢI (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)