Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lúa gạo tăng giá, nông dân thêm quyền mặc cả

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lần đầu tiên sau nhiều năm, vụ hè thu này, giá lúa gạo không sụt giảm mạnh khi vào vụ thu hoạch. Giá lúa có xu hướng tăng và giữ ở mặt bằng cao.

Người trồng lúa đang có thu nhập cao hơn trong mùa thu hoạch lúa hè thu năm nay. Ảnh: Đặng Hoàng.
Có thể nói nông dân đang bán được giá cao là nhờ giá gạo Thái Lan đang tăng rất mạnh do tác động từ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận một thực tế là giá phân bón, đã tăng rất mạnh hơn một năm qua. Phân urê hiện nay ở mức 10.300 đồng/kg, tăng 50% so với giữa năm ngoái. Các chi phí sản xuất lúa cũng đã tăng rất mạnh từ công lao động, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật… nên nông dân bán được lúa giá cao là điều hợp lý…
Thị trường thêm cạnh tranh
Một yếu tố quan trọng khác góp phần làm tăng giá lúa gạo hiện nay, đó là thị trường đang có cạnh tranh khốc liệt khi có thêm nhiều đối tượng tham gia mua lúa. Những năm trước, giá lúa gạo thường quyết định bởi doanh nghiệp xuất khẩu. Năm nay, thị trường liên tục biến động theo chiều hướng tăng giá, lúa gạo được coi là kênh đầu tư mang lại tỷ suất lợi nhuận cao. Và việc mua gom tích trữ cũng hình thành từ yếu tố tâm lý kỳ vọng giá tăng. Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận xét: tiêu thụ lúa gạo hiện nay mở rộng ra nhiều thành phần. Ai có tiền, kể cả trong nước, ngoài nước cũng có thể mở nhà máy xay xát, đầu tư kho, sắm ghe, mua tích trữ chứ không chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu.
“Vài tuần gần đây, do mặt bằng giá trong nước quá cao, nhiều thương nhân Thái Lan sang Việt Nam mua gạo thơm để xuất khẩu ngược sang Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng sang đặt hàng thương nhân Việt Nam mua gạo”, ông Phong khẳng định.
Ông Vương Tài Hiến, thương lái ở Chợ Mới, An Giang cũng cho biết, kinh doanh lúa gạo hiện nay khác trước. Ông thương lái nào bây giờ muốn tồn tại được thì phải có hai đầu vốn. Một đầu vốn mua lúa, còn đầu kia trữ gạo. Khi mua lúa về thuê nhà máy xay ra gạo lức, nếu được giá cao thì bán, không thì đóng bao cho nằm chờ giá tăng. Nhà máy xay xát sau khi mua được gạo từ thương lái cũng có tâm lý giữ hàng lại chứ không vội bán liền cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Hiện nay, gia đình ông Vương Tài Hiến có ba ghe, mỗi lần mua 100 tấn lúa. Năm ngoái, số vốn bỏ ra có 400 triệu đồng, năm nay thấy làm ăn có lời nên ông vay mượn, tích cóp tăng lên gấp đôi. Theo tính toán của ông, với tần suất tăng giá mỗi ngày ít nhất 100 đồng/kg trong suốt hơn hai tuần như vừa qua, cứ mua 100 tấn lúa tích trữ lại qua đêm, sáng hôm sau có lãi liền 10 triệu đồng.
Nông dân thêm quyền mặc cả
Trong tháng 7 này, giá lúa hè thu ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã cao hơn 54% so với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn 22% so với vụ đông xuân vừa rồi. Sau nhiều năm, nông dân mới bán được lúa thường IR 50404 ở mức 7.000 – 7.100 đồng/kg. Nhiều người còn không cần chở về nhà phơi, gặt xong bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái cũng được giá 6.000 đồng/kg. Thị trường xuất khẩu được dự báo thuận lợi đến cuối năm, thậm chí là hết năm sau, là yếu tố nâng đỡ giá lúa gạo.
Theo tính toán giá thành sản xuất lúa vụ hè thu này do bộ Tài chính công bố, mỗi ký lúa nông dân bỏ chi phí 3.760 đồng, cao hơn 20% so với năm ngoái. Nhưng, với giá lúa hiện nay, lợi nhuận người trồng lúa thu được đã cao hơn mức 30% mong muốn.
Xu hướng tăng giá và mặt bằng giá giữ ổn định ở mức cao, còn giúp nông dân – lần đầu tiên sau nhiều năm, có chút quyền tự quyết giá bán. Thời gian qua, ở các vùng thu hoạch lúa, đã dần dần xuất hiện nhiều hơn những lời kêu ca từ phía doanh nghiệp xuất khẩu là khó mua lúa gạo vì nông dân có tâm lý găm hàng. Giới thương lái cũng cho rằng, bây giờ rất khó có thể “ép” giá nông dân. Hơn nữa, trong điều kiện cơ giới hóa tốt hơn, có nhiều thành phần kinh doanh đầu tư kho chứa, máy sấy thì việc tiêu thụ lúa diễn ra nhanh, có cạnh tranh, nông dân không bị ép giá là điều dễ hiểu. Trước đây, khi vào vụ thu hoạch hè thu, vì thời tiết bất lợi cho việc phơi lúa, nông dân bị ép giá, nhưng nay họ có thể bán lúa tươi ngay tại ruộng và thương lái, nhà máy xay xát có thể đảm nhận khâu sấy lúa.
“Tôi cho rằng chúng ta không nên kìm giá lúa gạo… Nông dân bán lúa giá cao mới bù đắp lại chi phí tăng, lạm phát, đồng tiền mất giá và nhất là có điều kiện đầu tư lại sản xuất”, ông Ngô Minh Lãm, giám đốc công ty xuất nhập khẩu lương thực An Giang nói vậy.
Theo Đặng Hoàng
Sài Gòn tiếp thị

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)