Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lúa giảm giá, khó bán

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lúa đông xuân ở ĐBSCL đã thu hoạch rộ, thêm một vụ đạt năng suất cao, tuy nhiên giá lúa lại đang giảm so với tuần trước, khó bán và còn có hiện tượng ép giá xuống thấp hơn nữa.

Lúa giảm giá nhưng nhiều nơi nông dân bị ép giảm giá tiếp.

Khắp nơi hạ giá
Ngày 20-3, ông Huỳnh Văn Sĩ, nông dân ở ấp Trà Ong, xã Viên Bình (Trần Đề, Sóc Trăng) cho biết, ông làm hơn 2 ha lúa đặc sản ST5, vừa thu hoạch và chưa bán được. Đấy là ông đã chở ra tận ngoài đường cái lớn để tìm người mua nhưng vẫn không có ai hỏi, đang tồn khoảng 10 tấn lúa.
So với tuần trước, giá lúa những ngày này đã xuống thấp. Lúa ST5 nghe vài người bán được thì hiện chỉ còn 6.200-6.400đ/kg, so với cách đây một tuần đã giảm 1.000đ/kg. Nếu bán với giá trên vẫn có lời nhưng không đáng kể, còn gia đình ông chưa bán được nên chưa biết lời lỗ thế nào. Riêng các loại lúa khác vẫn đứng giá nhưng cũng không có người mua.
Tại tỉnh Bạc Liêu, bà con nông dân ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi… thu hoạch được hơn 800.000 tấn lúa, trong đó, lúa hàng hóa 400.000 – 500.000 tấn. Ông Lương Ngọc Lân, GĐ Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết, giá lúa đang giảm, hiện lúa chất lượng cao 6.000đ/kg, lúa đặc sản thì cao hơn. Theo ông Lân, giá lúa hiện nay, người nông dân vẫn có lời kha khá.
Thương lái Lý Văn Chương ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) mua lúa tươi tại nhà máy 4.700 – 4.800đ/kg. Ông cho biết, sau khi phơi khô, chế biến gạo lứt bán cho Cty Lương thực Sóc Trăng với giá 7.300 – 7.400đ/kg. “Lời mỏng lắm vì lãi suất của ngân hàng cao quá. Xu hướng hiện nay, giá lúa đang giảm vì vào mùa thu hoạch rộ”, ông Chương nói.
Tại các cửa sông huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình (Cà Mau) có khá đông thương lái các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang đến mua lúa. Giá lúa khô chở ra đến bến, thương lái mua 5.300đ/kg. Ông Nguyễn Văn Lung, ở xã Khánh Hải (Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết: “Với giá lúa hiện nay, chúng tôi có lời nhưng chủ yếu là lời về công sức mình bỏ ra vì giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp, nhân công đều tăng cao, nếu thuê mướn dễ bị lỗ”.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, GĐ Cty Lương thực Bạc Liêu giải thích việc chưa ráo riết mua lúa là do từ tháng 3 đến 14-4, Cty Lương thực Bạc Liêu được giao chỉ tiêu mua tạm trữ 20.000 tấn. Chỉ mua tạm trữ nên từ từ, không vội vàng gì. Ông nói: “Với giá hiện nay, nông dân sản xuất lúa đã có lời, không nên trữ lúa lại vì giá gạo xuất khẩu cũng đang giảm”.
Chiều 20-3, ông Nguyễn Văn Thuận, GĐ Chi nhánh 1 của Cty TNHH Thương mại Phú An, đóng trên địa bàn xã Long Hưng B (Lấp Vò) cho biết, hai ngày qua, giá lúa giảm trên dưới 200đ/kg. Cụ thể, tại trạm thu mua của Cty ở huyện Tri Tôn (An Giang), Cty mua giá 5.700đ/kg, giảm 150đ/kg so với ngày trước.
Theo ông Thuận, giá lúa giảm do nông dân đang vào thời điểm thu hoạch rộ, lúa nguyên liệu nhiều. Phần nữa, lúa từ Campuchia đưa sang nhiều với giá thấp hơn bên Việt Nam khoảng 300đ/kg nên lúa nội địa tiêu thụ chậm, giá ngày càng sụt giảm.
Ép nông dân hạ giá
Ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng cò lúa thao túng giá. Tại xã Tân Kiều (Tháp Mười, Đồng Tháp), nhiều chủ ruộng hơn 3 ngày nay chưa bán lúa được vì phải chờ cò.
Ông Nguyễn Văn Cui, ngụ ấp 5 cho biết, tại đây, hầu như các chủ ghe hàng xáo không vào tận ruộng mua lúa như trước, mà tổ chức cho tới thỏa thuận giá với nông dân trước. Khi đã có đủ lượng lúa mới cho ghe vào cân.
Cũng tại huyện Tháp Mười đã xảy ra tình trạng các thương lái câu kết với nhau hạ giá lúa bằng cách “lúa nhiều bỏ cọc ít, lúa ít bỏ cọc nhiều”. Tại xã Hưng Thạnh, một thương lái từ xã Phú Điền đến hợp đồng mua lúa tươi tại ruộng của nông dân với giá 4.900đ/kg.
Có năm hộ dân chấp nhận giá này nên ký hợp đồng và nhận tiền cọc. Ba trong năm hộ có lượng lúa không tới 10 tấn, mỗi hộ được nhận 10 triệu tiền cọc. Trong hai hộ còn lại, một hộ trên 40 tấn lúa nhưng nhận cọc chỉ 4 triệu, hộ còn lại trên 30 tấn chỉ nhận cọc 2 triệu đồng. Đến lúc thu hoạch, thương lái trên chỉ mua lúa của ba người lúa ít, đặt cọc nhiều, hai hộ còn lại không mua.
Ông Nguyễn Tấn Lộc là một trong hai hộ có nhiều lúa, bức xúc nói: “Lúa của tôi tổng cộng trên dưới 34 tấn nhưng họ bỏ cọc quá ít, họ nói tiền mặt chỉ còn bấy nhiêu thôi nên năn nỉ tôi nhận cọc với giá lúa hợp đồng là 4.900đ/kg. Hai ngày sau, khi tôi thu hoạch lúa thì họ không đến cân như hợp đồng. Điện thoại thì họ nói do giá lúa sụt, chỉ còn 4.500đ/kg. Nếu chấp nhận bán giá 4.500đ/kg, họ sẽ cho ghe tới cân hết”.
Theo tính toán của ông Lộc, nếu thương lái không cân lúa thì họ chỉ mất 4 triệu tiền cọc, nếu ông chịu bán giá 4.500đ/kg thì ông sẽ mất khoảng 14 triệu đồng. Thấy thiệt quá nên ông không bán mà phơi khô, cất giữ. Ông Lộc cho biết, hiện tượng như thế đang lan ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Xuân Lương – Tiến Hưng – An Nhi
Nông dân chưa bị ảnh hưởng?
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa hạ giá sàn gạo xuất khẩu xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, 480 USD/tấn (loại 5% tấm), 460 USD/tấn (loại 25% tấm).
Ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Cty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), một thành viên của VFA cho biết, việc điều chỉnh trên là xu hướng chung, vì Thái Lan cũng vừa điều chỉnh giảm giá gạo xuất khẩu gạo.
Hiện VFA đang cố gắng thu mua để đảm bảo giá lúa 5.000 đồng/kg, gạo lứt 7.000 đồng/kg trở lên để đảm bảo cho nông dân có lãi.

Phạm Anh / Tien Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)