Y tế - Văn hóaThư giãn

Lửa nghề cháy trên sàn tập Nửa đời hương phấn

Tạp Chí Giáo Dục

Đã quá 12g trưa, không khí tập luyện của các nghệ sĩ (NS) có mặt trong vở cải lương Nửa đời hương phấn vẫn đầy hào hứng. Nhìn NSND Lệ Thủy, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Bảo Quốc, nghệ sĩ Phượng Liên… tập luyện cùng nhau, không ai nghĩ họ đều đã ở tuổi U70, riêng NSƯT Út Bạch Lan đã sắp bước sang tuổi 81.

NSƯT Út Bạch Lan lên sàn tập khi sắp bước vào tuổi 81
The, Diệu, Tùng, ông Sáu, bà Sáu… đều là những vai diễn “nằm lòng” của các NS một thời, nhưng giờ đây, họ vẫn cứ như lần đầu được lên sàn tập. Chỉ một chi tiết nhỏ như thái độ nhõng nhẽo, ngúng ngẩy so bì với The (NS Phượng Liên) của Diệu (NSND Lệ Thủy) cũng được tập đi tập lại đến mấy lần. Một tiếng đàn buông theo cảm xúc của NS chỉ diễn ra chừng 5 giây nhưng có thể mất hơn 5 phút để phối hợp cho thật nhuần nhuyễn… Chỉ đến khi cả NS lẫn người chịu trách nhiệm dàn dựng là NSƯT Hữu Châu cảm thấy ổn mới thôi.
Không chỉ có lớp diễn viên (DV) trẻ hơn như NSƯT Hữu Quốc hay DV Gia Bảo mới chủ động xin được tập lại lớp này, ca lại câu vọng cổ kia với đờn… mà cả NS Phượng Liên cũng không ít lần: “Cho tui xin ca lại đoạn này một lần nữa!”, hay NSND Lệ Thủy: “Làm lại lớp này chút đi!”… Từng lớp diễn thỉnh thoảng lại chợt tạm dừng, các NS góp ý cho nhau và cùng phối hợp tung hứng để diễn ăn ý.
Sàn tập như có một sức hút lạ kỳ với từng NS. Dù chưa đến lượt, hầu hết các NS đều hướng mắt lên SK để theo dõi đồng nghiệp tập luyện. Theo dõi các buổi tập, sẽ phát hiện một điều khá thú vị. Vai diễn đầu tiên của NSƯT Út Bạch Lan khi đầu quân cho đoàn Thanh Minh – Thanh Nga chính là vai cô The. Ngày đó The – Út Bạch Lan “sánh vai” cùng Tùng – Thành Được từng làm thổn thức không biết bao nhiêu trái tim khán giả, tạo nên cơn sốt vé.
Hơn 50 năm sau, NSƯT Út Bạch Lan trở thành bà Sáu, mẹ của cô The, nhưng lời thoại, bài ca của cô The thì bà thuộc nằm lòng. Không chỉ vậy, bà thuộc luôn tuồng của nhiều nhân vật khác. Ngồi dưới hàng ghế khán giả chăm chú theo dõi từng diễn biến trên sàn tập, cứ hễ tiếng đàn cất lên, bà lại lẩm nhẩm ca theo. Hỏi: “Bộ cô thuộc hết lời của các nhân vật luôn sao?”, bà cười: “Cũng không biết tại sao, ngưng diễn tuồng này cũng lâu lắm rồi, nhưng cứ coi tập tới đâu thì tự nhiên tôi nhớ tới đó, lời ca cứ ào ào tuôn về”.
Các NS dù tuổi đã cao, dù tất bật với nhiều nỗi lo khác nhau, nhưng dường như tất cả đã được gác lại bên ngoài cửa rạp. Khán phòng và sàn tập chỉ còn có vai diễn, lời ca và tiếng đàn. Chỉ là tập, nhưng nhiều lớp diễn có sự xuất hiện của NSƯT Út Bạch Lan bên cạnh NSND Lệ Thủy và NS Phượng Liên vẫn cứ làm những người có mặt cảm thấy xúc động rưng rưng.
Bất chấp tuổi tác, thời gian, các nghệ sĩ luôn dốc hết mình cho các buổi tập
Tuổi tác và thời gian có thể khiến sức khỏe và phong độ ca diễn của người NS không còn như thời còn son trẻ, nhưng lửa nghề trong tim mỗi người NS thì không gì có thể làm đổi thay. Vừa về nước, không kịp nghỉ ngơi, NS Phượng Liên đã có mặt ở sàn tập theo đúng lịch làm việc. NSƯT Út Bạch Lan chỉ có vai ở cuối cảnh nhưng bà cũng đã có mặt từ rất sớm. Ngồi xem các DV trẻ như Gia Bảo, Hồng Loan, NSƯT Hữu Quốc tập luyện, bà chú ý từng chi tiết để phân tích và góp ý.
NSƯT Hữu Quốc hào hứng: “Được tham gia Nửa đời hương phấn, với tôi là cơ hội không dễ gì có được. Chưa bao giờ tôi được diễn cùng SK với nhiều NS tên tuổi đến vậy. Không chỉ được truyền thêm lửa đam mê từ lớp NS đi trước, tôi còn được các cô các chú chỉ bảo rất nhiều để hoàn thiện hơn khả năng ca diễn”.
Dù đã có rất nhiều bản dựng khác nhau, nhưng Nửa đời hương phấn được dàn dựng lần này sẽ theo đúng kịch bản gốc của soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng. Và với hầu hết tất cả các NS, đây là lần đầu tiên họ được đọc kịch bản gốc. Bất ngờ hơn, tập kịch bản gốc ấy đã theo NS Phượng Liên chu du nửa vòng trái đất trước khi trở về Việt Nam.
Trước đây, NSƯT Bảo Quốc thể hiện vai ông Sáu theo bản dựng cho NSND Diệp Lang, để là ông sáu “nguyên bản”, ông sẽ phải học lại rất nhiều lời thoại và bài ca. Diệu của NSND Lệ Thủy dù đã được soạn giả Hoàng Song Việt viết thêm một số lớp diễn, bài ca để làm rõ hơn tính cách và số phận khi diễn ở Đoàn cải lương 2-84, nhưng trong tay bà vẫn có cả hai tập kịch bản để so sánh, đối chiếu và phối hợp hợp lý giữa các lớp diễn, bài ca.
Không dừng lại ở ước mơ được cống hiến cho khán giả một vở diễn được dàn dựng và tập luyện nghiêm túc, hầu hết những NS tham gia Nửa đời hương phấn còn có chung niềm hạnh phúc khi được đứng chung SK với những người bạn diễn một thời gắn bó; như lời NSND Lệ Thủy: “Mong công chúng đến với Nửa đời hương phấn sẽ không quá khắt khe và sẵn sàng chấp nhận nỗ lực của chúng tôi, những NS mong muốn được gặp nhau để làm lại một vở diễn kỷ niệm. Thế hệ NS chúng tôi đều đã lớn tuổi, gặp lại nhau hôm nay nhưng có thể mất nhau bất cứ lúc nào. Vì thế, khi còn được cùng nhau đứng trên một SK, chúng tôi sẽ nỗ lực bằng tất cả khả năng để làm tròn vai diễn".
Theo PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)