Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lúa ngoại “lấn sân”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lúa nội địa tồn đọng, khó bán, trong khi lúa Campuchia tràn qua biên giới Tây Nam lại được săn đón như hàng đặc sản.
Chuyện lúa Campuchia “chảy” vào Việt Nam ở biên giới Tây Nam (qua ngõ An Giang) không phải là chuyện mới. Song, trước tình hình lúa trong dân tồn đọng, lúa hè thu sớm đã thu hoạch và các doanh nghiệp (DN) cũng ngừng mua tạm trữ đã khiến nông dân càng khốn đốn hơn vì lúa không bán được. Ngược lại, lúa Campuchia ồ ạt đổ bộ vào chợ lúa ngoại Đường Sứ, xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang và đắt hàng đến lạ lùng.
Rồng rắn chờ… “ăn” lúa
Chúng tôi đến chợ lúa ngoại Đường Sứ vào buổi trưa. Dưới cái nắng như thiêu đốt của những ngày giữa tháng 5 ở vùng biên giới nhưng bên kia kênh Vĩnh Tế, chợ lúa ngoại vẫn hoạt động, giao dịch tấp nập.
Ghe tàu đậu kín cả khúc sông, nối đuôi nhau chạy dài hàng trăm mét chờ đến lượt “ăn hàng”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông lão lái đò đưa khách qua lại chợ Đường Sứ cười bảo: “Buổi trưa cánh đầu nậu sang tận các cánh đồng Campuchia gom lúa đến chiều thì cho xe công nông chở về tấp nập. Nhiều đêm hoạt động đến hơn 20 giờ vẫn chưa xong, sáng sớm họ tiếp tục vận chuyển lúa ngoại đổ vào chợ này”.
Qua chỉ dẫn của ông lão, chúng tôi làm quen với một số thương lái đang neo ghe nằm chờ “tài”. Ông Hai Nô, thương lái ở tận Tiền Giang, cho biết: Lái lúa bây giờ rất ngán cảnh “vác” ghe đi mua dạo. Có khi chạy mấy ngày ròng chẳng mua được bao nhiêu lúa.

Quang cảnh tấp nập ở chợ lúa ngoại Đường Sứ giữa buổi trưa nắng gắt
Bởi vậy, họ mê chợ Đường Sứ lắm, chịu khó nằm chờ một, hai ngày nhưng đến lượt chỉ mất độ 2-3 giờ là đầy ắp lúa. “Tôi bảo đảm muốn bao nhiêu cũng có” – ông Nô khoe.
Ông Út Điệp, ở Đồng Tháp, vừa cập chiếc ghe bầu khoảng 40 tấn vào bến chợ, cho hay các DN thu mua rất chuộng gạo Campuchia vì chất lượng tốt, gạo trong đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Theo ông Điệp, năm nay lượng lúa Campuchia đổ về Đường Sứ tăng vọt.
Do lượng ghe về đây “ăn” lúa ngày càng nhiều nên các kho tăng cường một số băng tải để đáp ứng kịp thời vào cao điểm. “Mà với số lượng hàng ngàn tấn mỗi ngày, sức người – bốc vác sao kham nổi” – ông Điệp nói…
Lấn át lúa nội 
Có mặt tại chợ Đường Sứ từ trưa đến chiều, chúng tôi không thể nào đếm xuể có bao nhiêu lượt xe chở lúa Campuchia vào nội địa. Từ bên kia biên giới, các xe công nông chất đầy lúa cao ngút thi nhau phóng vun vút trên cánh đồng Thum Đưng, huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo rồi men theo con đường đất xẻ dọc cánh đồng Tân Biên, xã An Nông vào Đường Sứ.
Cứ độ 5 – 10 phút lại có cả dọc 3 – 4 xe vào bến “đổ hàng” rồi lại vun vút lao đi. Theo người dân địa phương, mỗi xe chở lúa có tải trọng hơn 10 tấn, mỗi ngày trung bình khoảng 200 lượt xe chở lúa vào bến bãi. Tại các kho, đội ngũ bốc vác liên tục lên, xuống “hàng”. Ghe tàu ra vào tấp nập, chiếc này vừa “no” lúa lui ra đã có ghe khác chen vào.
Ông Điệp cho hay giá lúa ngoại ở đây chỉ bằng với giá lúa nội địa (khoảng 4.000 đồng/kg) nhưng phẩm chất gạo tốt hơn nên được cánh thương lái săn đón như hàng đặc sản. 
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết hiện lượng lúa tồn đọng trong dân khá lớn, cộng thêm hơn 10.000 ha lúa hè thu sớm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu vừa thu hoạch khiến tình hình càng khó khăn hơn…
Giao dịch mua bán ở “chợ” Đường Sứ vô cùng hối hả, không có chuyện khen chê hay cò kè giá cả. Tất cả đã được giao kèo với nhau từ trước, các ghe vừa cập bến là cánh bốc vác tuồn “hàng” tới tấp ngay.
Cảnh mua bán diễn ra đơn giản, chóng vánh, khác hẳn với chuyện mua bán lúa nội địa của nông dân với thương lái. Hình ảnh này trái ngược với thị trường lúa gạo trong nước mà các DN kêu đang gặp khó. Hiện tại, nông dân ở An Giang và nhiều tỉnh ĐBSCL vẫn rất khó bán lúa vì thương lái không chịu mua.
Các nhà khoa học nhận định rằng Campuchia đang nổi lên là một nước xuất khẩu gạo cấp cao. Lượng gạo xuất khẩu của họ đã vượt qua con số 1 triệu tấn và dự kiến năm nay có thể đạt 2 triệu tấn.
Chúng ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu trong cùng một nhóm lúa gạo đồng cấp và đồng chất mà năng suất, chất lượng và giá thành không bảo đảm tính cạnh tranh. Các nhà khoa học ví von tình trạng lúa ngoại ồ ạt tràn sang biên giới vào nội địa như hiện nay chẳng khác nào “nước chảy về… chỗ gò”, đi ngược quy luật.
Gạo ngoại chiếm 70%
Theo các bạn hàng, tiểu thương bán gạo tại các chợ ở huyện biên giới Tịnh Biên, gạo ngoại gồm các loại gạo Sóc như: Khaodak, Khaodakmali, thơm Lài… của Campuchia rất được người dân ưa chuộng và chiếm khoảng 70% lượng tiêu dùng ở đây.
Kế đến là một số loại gạo Thái Lan, còn gạo Việt chỉ chiếm khoảng 20%. “Ở đây, gạo nội địa chỉ có thể bán cho một số người nghèo, dân lao động.
Nhiều người làm các giống lúa thần nông của mình nhưng vẫn mua gạo ngoại ăn” – một tiểu thương ở thị trấn Tịnh Biên nói.
 Bài và ảnh: NGÔ PHONG/ Người Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)