Hai bị cáo bị dẫn về trại giam |
Giáo viên vốn được coi là một trong những nghề cao quý nhưng hai bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa chỉ vì sự cả tin trong tình yêu, sự cả nể của tình bạn mà bước vào con đường tội lỗi để rồi đánh mất cả tương lai.
Từ lừa người…
Trương Thị Cẩm Nhung (27 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) và Nguyễn Thị Minh Tâm (37 tuổi, quê Sóc Trăng) đều đã tốt nghiệp ĐH và cả hai từng làm giáo viên. Sau khi ra trường, Nhung xin về dạy môn Anh văn ở Trường Ngoại ngữ Châu Đại Dương thuộc huyện Hóc Môn TP.HCM. Đồng lương của cô giáo dạy hợp đồng tuy không dư dả nhưng cũng đủ sống một cuộc sống bình thường. Nếu như Nhung không quen Thạch Phận (SN 1989, quê Trà Vinh) do một người thân giới thiệu thì cuộc đời Nhung đã có những trang viết tốt đẹp hơn. Còn Tâm sau khi ra trường thì xin về quê dạy học và là cô giáo làng với cuộc sống khá bình yên. Tâm có chồng và 2 con nhưng cuộc sống gia đình có nhiều mâu thuẫn. Chính vì vậy đến năm 2007, Tâm bỏ quê lên TP.HCM xin vào làm nhân viên văn phòng ở trường của Nhung đang dạy. Sau đó, hai bị cáo quen nhau, trở nên thân thiết và cùng… phạm pháp! TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu của cơ quan tổ chức” đối với hai bị cáo trên cùng với 2 đồng phạm có liên quan. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5-2013, Nhung cùng Thạch Phận đã lừa đảo chiếm đoạt 5 chiếc xe ô tô với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Bằng thủ đoạn làm giả một số con dấu tròn, dấu tên, dấu vuông sao y bản chính giả để phục vụ ý đồ lừa đảo. Sau đó, các bị cáo thuê xe ô tô rồi làm phôi CMND ghi họ tên, hộ khẩu thường trú trùng với tên chủ giấy đăng ký xe, ký tên sao y bản chính giả, tự làm hợp đồng mua ô tô trả góp, ký tên đóng dầu giả rồi đem đi cầm cố lấy tiền chia nhau. Trong vụ án này, bị cáo Tâm là người có vai trò giúp sức trong việc đi thuê người làm con dấu giả cho Nhung.
Đến người lừa…
Sau khi kết thúc phần xét hỏi chuyển sang phần tranh luận cả phiên tòa dường như lắng xuống. Tại tòa Thạch Phận không cúi đầu nhận tội mà đổ hết cho cô bạn gái “hờ” là bị cáo Nhung. Với bản cáo trạng đã truy tố Nhung bất lực, ngồi ngơ ngẩn, lặng im trước vành móng ngựa khiến vị chủ tọa phải nhắc nhở. Luật sư bào chữa cho Nhung khẳng định: “Vì sự cả tin mà bị cáo đã bị người yêu lừa dối, ban đầu Thạch Phận nói rằng có cơ sở sửa chữa xe ô tô để làm cho bị cáo tin nhưng thực chất đó chỉ là chiêu lừa, Thạch Phận còn đang bị các chủ nợ đòi tiền. Vì yêu mù quáng, nông nổi nên bị cáo Nhung đã nghe theo lời của Thạch Phận mà đi vào con đường phạm tội”. Trong suốt phiên tòa, Nhung không ngừng khóc, có những lúc nấc không thành tiếng mà cứ nghẹn lại. Những giọt nước mắt muộn màng của Nhung trở nên day dứt: “Bị cáo đã bị Thạch Phận lừa, bị cáo không biết rằng Thạch Phận sinh năm 1989 và đã có vợ, con. Thạch Phận đã đưa CMND giả với năm khai sinh 1983, nếu biết nhỏ hơn tuổi lại từng vào tù thì bị cáo đã không thương. Bị cáo hối hận vô cùng, có lỗi với ba mẹ vì ba mẹ ngăn cản không cho quen nhưng bị cáo đã cãi lời để rồi yêu một người và cũng bị người đó xúi giục đi vào con đường phạm pháp”. Cả HĐXX bỗng tĩnh lặng, tiếng thút thít phát ra từ đâu đó ở những hàng ghế kia. Vị chủ tọa phiên tòa trầm ngâm, đan hai tay vào nhau thật chặt rồi đưa ánh mắt nhìn xa xăm. Đối với bị cáo Tâm, những người dự khán cũng chỉ nghe được câu: “Bị cáo đã phải trả cái giá quá đắt cho hành vi của mình. Giá như…”.
HĐXX tuyên phạt Trương Thị Cẩm Nhung 13 năm tù với các tình tiết giảm nhẹ như là con duy nhất trong gia đình, bản thân có nhiều thành tích trong khi đi học và trong công tác giảng dạy tại trường, chưa có tiền án tiền sự… Nguyễn Thị Minh Tâm 10 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Bình luận (0)