Phó Chủ tịch UBND TP thăm tặng hoa chúc mừng Báo Giáo dục nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-2010
Tôi nghỉ hưu cũng đã khá lâu, mọi việc xưa kia chừng như rơi vào quên lãng. Nhưng cuộc nói chuyện điện thoại mới đây của người em đồng nghiệp – Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Tú – về số báo đặc biệt kỷ niệm 25 năm thành lập báo làm tôi bồi hồi xúc động. Những kỷ niệm vui buồn một thời làm báo lại hiện về…
Chừng cuối năm 1998, tôi được điều động từ Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục về làm Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, lúc đó là Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo xuất bản mỗi tháng một kỳ.
Từ vị trí là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và nghiên cứu của một trường chuyên đào tạo bồi dưỡng đội ngũ “sĩ quan” cho ngành, mọi phương tiện làm việc đều sẵn có, công việc đang thuận lợi, nay phải về một đơn vị mới lạ lẫm, khó khăn, thiếu thốn. Bạn bè đồng nghiệp bàn qua tán lại, khiến tôi cũng băn khoăn, do dự. Nhưng là cán bộ công chức ăn lương Nhà nước, tôi chấp hành các quyết định của Bộ, Sở!
Lúc đó, anh Nguyễn Thế Vinh, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục gặp riêng tôi trao đổi khuyên tôi đừng đi và anh đưa cho tôi một cái thư anh gửi Bộ và Sở đề nghị giữ tôi lại trường. Anh cũng đề nghị một người khác có thể thay thế. Tôi đã không gửi đi mà cất cái thư ấy làm kỷ niệm cho riêng mình, đến tận hôm nay.
Tôi đến báo bắt đầu nhiệm vụ mới. Tòa soạn và trị sự hồi ấy đơn giản, chỉ có mấy người, một người kiêm nhiệm nhiều việc. Cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị, đội ngũ…, nói chung chẳng có gì ra hồn so bên đơn vị cũ. Anh Hoàng Trúc Bào, cựu Tổng Biên tập bàn giao thật tỉ mỉ, chu đáo mọi thứ. Phải nói anh là người có tâm, có tầm, có công đầu sáng lập. Anh đã chắt bóp chi tiêu để lại cho báo một quỹ tiền mặt hơn 46 triệu đồng và một số nợ khó đòi; một máy bàn hiệu Compad dùng chung; một chiếc ô tô hiệu Niva nằm chắn hết lối đi; một cái két sắt to… Quý lắm, nhưng không đủ để cho một tờ báo cải tiến, cất cánh.
Tôi đã thầm nghĩ trong đầu về 5 chữ M, 5 yếu tố cần và đủ cho một hệ thống, một tổ chức xã hội tồn tại và phát triển (Management – năng lực quản lý; Money – tiền vốn; Men – nhân lực; Material – tài nguyên vật chất; Method – cách thức, phương pháp) thì ở đây hầu như thiếu và yếu! Phòng họp hôm đó trời mưa mái dột, anh em phải lấy thau hứng nước mưa kêu tỏn tẻn làm tôi nhớ mãi…
Mọi việc của tôi ở đơn vị mới cũng dần dần hanh thông. Do nhu cầu tăng cường năng lực thông tin phục vụ cho công cuộc đổi mới giáo dục theo các nghị quyết của Đảng nên kế hoạch củng cố, cải tổ, tăng kỳ… của báo, tôi đề xuất và đi thuyết minh xin chủ trương, giấy phép với từng cơ quan cấp trên (sở ngành chủ quản, ban bộ quản lý). Tuy khó khăn vất vả nhưng đến đâu cũng được lãnh đạo ngành, thành phố và bộ chấp thuận.
Báo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, của Đảng và Nhà nước nhưng là đơn vị sự nghiệp có thu, không được cấp ngân sách, tự trang trải mọi chi phí hoạt động. Do đó quá trình cải tổ nâng cấp tờ báo diễn ra chật vật, khó khăn, cuối cùng cũng đã thành công.
Nhân đây, dù đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng tôi xin được cảm ơn một lần nữa với các anh chị lãnh đạo Bộ, Cục, Sở, Ban của thành phố và Trung ương… Các anh Nguyễn Thiện Nhân, Đỗ Quý Doãn, Hoàng Hữu Lượng, Phạm Phương Thảo, Nguyễn Thị Thu Hà, Phan Xuân Biên, Cao Minh Thì, Trương Song Đức, Huỳnh Công Minh… đã để lại trong tôi và anh em làm Báo Giáo dục TP.HCM thời đó nhiều tình cảm quý trọng! Cảm ơn bạn bè đồng nghiệp đã chia ngọt sẻ bùi trong những năm tháng đầy khó khăn.
Cuối cùng thì mong ước của thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh và sinh viên về một tờ báo chuyên ngành đủ mạnh cũng đã thành hiện thực, sau 10 năm (1998-2008) nâng cấp thành công!
Về ấn phẩm báo chí, trước tạp chí xuất bản mỗi tháng một lần, hè nghỉ; sau khi tôi làm Tổng Biên tập, năm 1999 thực hiện cải tiến lần đầu, trở thành tờ tuần báo; năm 2003 cải tổ toàn diện nội dung hình thức: đổi khổ, tăng kỳ, đổi măng-sét… trở thành tờ báo cách nhật, phát hành vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần; sau đó lần lượt có thêm 3 phụ san in và các trang thông tin điện tử dành cho các đối tượng khác nhau trong ngành…
Bên cạnh nhiệm vụ chính, Báo Giáo dục TP.HCM cũng đã từng bước tổ chức các hoạt động phía sau mặt báo: Cuộc thi viết Giải quyết tình huống giáo dục, Giải bóng đá nam học sinh THPT, Giải Trần Đại Nghĩa, Chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp Một thời dấu yêu, học bổng Tiếp sức đến trường, học bổng Nhất nghệ tinh, Cuộc thi Đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông, Giải thưởng Ngọn nến Sáng tạo, Tủ sách Sáng tạo, Chương trình Tư vấn tuyển sinh CĐ-ĐH… Các hoạt động này góp phần cùng ngành nâng cao chất lượng dạy, học, và giáo dục.
Về nhân lực, lúc đầu cơ quan báo chỉ có 6 người. Sau này đội ngũ tăng dần theo đà phát triển. Khi ổn định, số cán bộ nhân viên cơ hữu có trên 40, hưởng lương và chế độ chính sách đầy đủ. Bên cạnh có thêm hàng chục cộng tác viên thường xuyên, thu nhập theo sản phẩm. Báo đã làm tốt công tác phát triển Đảng; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ và quy hoạch cán bộ kế cận.
Chi bộ lúc đầu có 3 đảng viên, tôi kiêm nhiệm bí thư, qua nhiều nhiệm kỳ, kết nạp mới lên đến trên 15. Công đoàn cơ sở và chi hội nhà báo được thành lập và phát triển tốt.
Tuy là báo quy mô nhỏ nhưng qua mấy năm đầu hình thành, cơ quan báo đã xây dựng được cơ chế quản lý tập trung dân chủ, phát huy tốt nội lực, tập thể đoàn kết vì mục tiêu phát triển. Đơn vị đã được trao thưởng Huân chương Lao động, nhiều cán bộ phóng viên nhận Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng, Bộ, UBND và rất nhiều giải báo chí…
Nhiều bạn trẻ hồi tôi mới về tuyển dụng đã nhẫn nại kiên trì, chịu thương chịu khó vượt qua bao khó khăn để trưởng thành, nay cứng cáp nghiệp vụ, đảm đương nhiều vị trí quan trọng. Cũng khá nhiều bạn đến rồi đi vì nhiều lý do khác nhau: thu nhập, thăng tiến, chức vụ, gia cảnh… Cũng bình thường thôi! Đó cũng là quá trình sàng lọc, lửa thử vàng, gian nan thử sức!
Tổng Biên tập Tạ Văn Doanh tặng Kỷ niệm chương cho Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh nhân dịp Kỷ niệm số báo 1.000 và trao giải cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục năm 2009
Qua trui rèn gian khổ hàng chục năm, nay đơn vị báo và hầu hết các bạn thời đó đã trụ được, đứng vững và liên tục phát triển; anh chị em an tâm công tác, thu nhập ổn định, tay nghề nâng cao, môi trường làm việc thoải mái…
25 năm (1994-2019), báo đã vượt qua bao khó khăn trắc trở, có lúc tưởng chừng bế tắc, đến năm 2008 mới thực sự ổn định và bắt đầu phát triển bền vững.
Từ khi tôi nghỉ hưu năm 2012 đến nay 2019, Tổng Biên tập mới đã cùng cộng sự biết cách phát huy thành tựu sẵn có, thêm nhiều giải pháp mới sáng tạo, phù hợp với thực tế, tiếp tục đưa báo tiến triển mạnh hơn. Đơn vị báo và các bạn ấy đúng là “vàng” đã qua “lửa” thử thách.
Nay, tờ báo đã định hình được nội dung hình thức với những trang mục bổ ích, hấp dẫn; tự cân đối thu chi, làm nghĩa vụ với Nhà nước đầy đủ; đảm bảo tôn chỉ mục đích, không chạy theo thị hiếu, không sai phạm chủ trương, thực hiện nhiệm vụ chính trị rất tốt; là một trong số ít tờ báo “sạch” trong làng báo thành phố và cả nước. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn vốn… đã được cải thiện đáng kể. Có thể nói 5 yếu tố cốt lõi, 5 chữ M trong khoa học quản trị đã có đủ để đơn vị cất cánh.
Không thanh thế như báo chính trị xã hội, Báo Giáo dục TP.HCM có lối đi riêng đậm bản sắc, thực sự xứng tầm là diễn đàn chuyên môn hết sức cần thiết cho hoạt động dạy-học-giáo dục thế hệ trẻ của thành phố mang tên Bác – thành phố thông minh và sáng tạo lớn nhất trong nước.
Tôi hy vọng rằng, tờ báo cần được phát triển độc lập với các lý do cần thiết có tính tất yếu như khi nó được sinh ra và lớn lên, đi tiếp cuộc hành trình vì sứ mệnh thông tin chấn hưng giáo dục trong giai đoạn mới!!
Tạ Văn Doanh (nguyên Tổng Biên tập)
Bình luận (0)