Gia đình cô Hoàng Thảo Hương giao lưu tại hội nghị
|
Gia đình là chiếc nôi yêu thương, là nền tảng phát triển của xã hội. Gia đình trên thuận dưới hòa thì dù có vượt qua bao chông gai, lửa yêu thương vẫn cháy.
Tại buổi họp mặt, giao lưu nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) do Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM vừa tổ chức, những nhà giáo, những con người đi lên từ gian khó, bước ra từ định kiến khắt khe của gia đình và dư luận xã hội đã chia sẻ bí quyết giữ gìn hòa khí gia đình, giáo dục con cái…
Có tình yêu thương, già hóa trẻ
Hơn 30 năm trong nghề, đến nay dù lớn tuổi nhưng tình cảm mà cô Hoàng Thảo Hương (GV Trường MN Tuổi Hồng, Q.Tân Bình) dành cho nghề, cho trẻ vẫn vẹn nguyên. Dù phải bận rộn công việc ở trường song cô vẫn cân bằng được việc trường, việc nhà để dành thời gian nhất định cho tổ ấm của mình. Cô Thảo Hương trải lòng: “Tôi lập gia đình đã 25 năm. Cái ăn thiếu trước hụt sau nhưng không vì thế mà giữa vợ chồng có chuyện bất hòa. Là giáo viên MN, hơn ai hết tôi hiểu rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng nên dù bữa ăn có đạm bạc cũng phải đảm bảo đầy đủ chất. Duy trì bữa cơm gia đình cũng là cách để giữ hòa khí gia đình”.
Hiện tại, kinh tế gia đình cô cũng tạm ổn. Con trai lớn Mai Hoàng Hoài Thương đã tốt nghiệp ĐH và công tác tại Ngân hàng Mê Kông. Cô con gái út Mai Hoàng Thiên Ân (HS lớp 11 Trường THPT Nguyễn Du) sẽ sang Mỹ học tại một trường THPT công lập vào tháng 8 tới. Cô Thảo Hương chia sẻ: “Những ngày tháng khó khăn của gia đình chính là động lực để các con vượt khó. Thấy cha mẹ làm lụng vất vả nên cháu lớn quyết tâm học và đều đặn nhận học bổng từ hồi còn học THPT. Cháu nhỏ noi gương anh, luôn đề cao việc tự học và giành được suất học bổng du học”. Còn Thiên Ân thì cho rằng thành quả học tập của hai anh em có được như ngày hôm nay là nhờ tấm gương chịu thương chịu khó của cha mẹ. Từ lớp 10, anh trai đã không phải xin tiền nhà đóng học phí, còn bản thân em phải đóng rất nhiều khoản tiền nên cảm thấy mình có lỗi. Chính vì thế mà em phải cố gắng học, tự tìm ra ưu khuyết điểm của mình, từ đó phát huy hết khả năng. Anh Mai Văn Thịnh, chồng cô Thảo Hương, chia sẻ: “Mọi khó khăn trong gia đình chúng tôi luôn đồng cam cộng khổ vượt qua nhưng không lấy đó làm niềm tự hào mà tự hào nhất là các con có ý thức tự lập từ rất sớm. Cha mẹ có cho tiền thì các con đều dành dụm để mua sách về tự học. Ngay từ bé, các cháu đã biết sử dụng đồng tiền có mục đích”.
Cô Thảo Hương tâm sự: “Chúng tôi hạnh phúc vì được sống dưới một mái nhà có cha mẹ, ông bà. Sau một ngày làm việc, về đến nhà được ăn một bữa cơm gia đình, dù đạm bạc nhưng cảm thấy rất ngon, thấy cuộc sống này có ý nghĩa. Không khí gia đình đầm ấm, chan chứa tình yêu thương khiến mình già cũng hóa trẻ. Là thành viên trong gia đình, có việc tốt, việc xấu, vui hay buồn đều phải chia sẻ, trải lòng, đặc biệt là với các con…
Sẻ chia – Chìa khóa hạnh phúc
Làm dâu trong một gia đình tứ đại đồng đường ít nhiều có xung đột, bất hòa nhưng với gia đình cô Trương Thị Tuyết Loan (GV bộ môn văn, Trường THPT Tây Thạnh) chưa một lần cãi vã. Ngoài công việc chuyên môn, cô Tuyết Loan còn là GV chủ nhiệm kiêm Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở của trường. Công việc ở trường khá nặng nhưng cô đều hoàn thành xuất sắc. Rời trường, cô lại vào một vai khác, vừa chăm sóc ông bà nội chồng tuổi ngoài 90 thường xuyên đau bệnh, mẹ chồng, chồng và hai cô công chúa sinh đôi kháu khỉnh. Cô Tuyết Loan chia sẻ: “Mình làm tốt vai trò của một cô giáo, của một người con dâu trong gia đình là nhờ sự quan tâm, đồng cảm và sẻ chia từ đồng nghiệp và mỗi thành viên trong gia đình. Với các con, mình phải là người gương mẫu. Dù bận rộn đến mấy cũng dành thời gian gần gũi, chia sẻ với con để kịp thời uốn nắn…”.
Lửa yêu thương vẫn cháy
Cả hội trường như lắng xuống nhường chỗ cho tiếng sụt sùi của đồng nghiệp khi được nghe cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường TH Phạm Văn Chiêu (Q.12), chia sẻ chuyện gia đình mình. Cô Thanh Tuyền sinh ra trong một gia đình nghèo, lại đông anh em. Cô không có tuổi thơ đúng nghĩa. Ở cái tuổi ăn, tuổi học, cô cùng mẹ và chị em đạp xe lên tận Lái Thiêu mua hoa về bán lại. Chợ tan, cô lại cùng cha vác cuốc đi làm cỏ mía ở đồng xa. Cái ăn của gia đình bữa cháo bữa rau khiến cô bé Thanh Tuyền từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo. Lời cha nghiêm khắc: “Hoặc đi học, hoặc lấy chồng”. Thanh Tuyền lên xe hoa ở tuổi 18. Chồng là thợ trang trí nội thất, cùng tuổi. Sau đám cưới, vợ chồng bán từng củ mì, củ khoai, bắp trước trường TH để trang trải cái ăn. 3 năm sau, Thanh Tuyền đăng ký đi học, từ khóa học ngắn hạn cho đến cử nhân TH…
10 năm kết hôn nhưng chưa có mụn con, vợ chồng dắt nhau đi khám bệnh. Chồng vô sinh. Rồi chồng mất vì tai nạn giao thông. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Cô lao vào công tác Đoàn, công tác phổ cập một cách say mê như để tìm quên nỗi đau. Sau giờ dạy, cô tình nguyện đến cơ sở nuôi dạy người khuyết tật dạy văn hóa miễn phí. Tại đây, chàng trai khiếm thị kém cô 6 tuổi ngỏ lời yêu. Tình yêu gõ cửa. Vượt qua rào cản định kiến, cô quyết định đi đến hôn nhân… Cô Thanh Tuyền nói: “Chồng tôi là người khiếm thị nhưng sống nhân cách, mẫu mực. Chúng tôi đỡ đần nhau lèo lái con thuyền gia đình vượt qua sóng gió”.
Cô là đôi chân, đôi mắt của chồng. Chồng, con là điểm tựa niềm tin, nghị lực cho cô. Ngày tháng dần trôi, hai cô con gái đã biết phụ giúp việc nhà, biết ước mơ lớn nhất của đời mình là “mong cha được sáng mắt để đưa đón mẹ và hai con mỗi ngày”. Cô Thanh Tuyền khẳng định: “Hãy cứ làm những gì nên làm, ngọn lửa yêu thương vẫn cháy”…
Bài, ảnh: Trần Tuy An
“Bất kỳ trở ngại, khó khăn nào vợ chồng cũng đều sẻ chia với nhau. Đó chính là chìa khóa xây dựng hạnh phúc gia đình”, anh Nguyễn Tiến Dũng – chồng cô Tuyết Loan – tâm sự. |
Bình luận (0)