Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Luân chuyển giáo viên: “Bỗng dưng… nuôi bố mẹ già”

Tạp Chí Giáo Dục

"Có người bình thường không hề nuôi cha mẹ già, nhưng khi có quyết định luân chuyển thì đưa cha mẹ già yếu về sống cùng để xin ở lại…". Ông Đặng Quang Linh, Trưởng phòng Nội chính – Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho biết thực tế ở Quảng Trị khi thực hiện đề án luân chuyển giáo viên vùng khó năm 2005. 

Ông Đặng Quang Linh
Quảng Trị đã thực hiện đề án luân chuyển giáo viên vùng khó từ năm 2005. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được không cao. Theo ông, nguyên nhân là vì sao?
Năm 2005, tỉnh Quảng Trị tổ chức luân chuyển đợt đầu được 53 giáo viên về vùng thuận lợi và điều động 30 giáo viên lên công tác vùng khó khăn.
Kết quả đạt được không cao là vì đa số giáo viên có đơn xin chuyển về đều muốn về công tác ở thị xã, thị trấn, trung tâm tỉnh, huyện…
Có huyện  chỉ có 1 – 2 đơn xin chuyển về, còn thị xã Đông Hà (trung tâm tỉnh lỵ) có tới hơn 25 đơn.
Như thế, phòng giáo dục nơi giáo viên có nguyện vọng chuyển về phải cử giáo viên luân chuyển lên miền núi tương ứng.
Đó là chưa kể với cấp học THCS, giáo viên được chia theo từng bộ môn, người trong diện luân chuyển thì chuyên môn không phù hợp, người có chuyên môn phù hợp lại không thuộc diện luân chuyển…
Mặt khác, số giáo viên ở miền núi chuyển về, do điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc… còn nhiều khó khăn, nên chất lượng giảng dạy thường thấp hơn giáo viên ở vùng thuận lợi.
Bên cạnh đó, phải nói rằng, đa số giáo viên ở vùng thuận lợi không mặn mà với việc luân chuyển lên miền núi.
Có người, bình thường không hề nuôi cha mẹ già, nhưng đến khi có quyết định luân chuyển thì đưa cha, mẹ già yếu về sống trong nhà để xin ở lại…
Còn có người nại ra tình trạng sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình…và chạy chọt, nhờ vả người có chức quyền, có ảnh hưởng để tác động xin xỏ…
Trong thời gian thực hiện xét luân chuyển, các phòng giáo dục thường xuyên phải tiếp giáo viên đến trình bày nguyện vọng, gửi đơn, thư… Thậm chí, có cả đơn thư nặc danh tố cáo tiêu cực.  
 

Ở 2 huyện Hướng Hoá, Đakrông có 628 CB, GV đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (khoảng 6% tổng số GV toàn tỉnh). Trong 3 năm học  từ 2004-2007, đã có 65 CB, GV được Sở Nội vụ cho thuyên chuyển về đồng bằng theo nguyện vọng. Từ năm học 2006-2007 đến nay có 135 người có nhu cầu luân chuyển đến vùng thuận lợi công tác, trong số đó có 40 giáo viên được UBND tỉnh điều động luân chuyển làm nghĩa vụ ở vùng khó đã hết thời gian đang chờ quyết định trở về đơn vị cũ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.
 
(Trích: Đề án luân chuyển giáo viên vùng khó của Quảng Trị năm 2008)

Vậy tại sao Quảng Trị tiếp tục thực hiện chính sách này vào năm 2009?
Đối với giáo viên công tác lâu năm ở miền núi, họ đã chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện sống, sinh hoạt, giảng dạy… nên nguyện vọng chuyển về vùng thuận lợi của họ là chính đáng, cần phải có sự chia sẻ của toàn ngành.
Vậy đâu là những điểm mới?
– Năm 2008, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng lại đề án này.
Việc thực hiện luân chuyển giáo viên đợt này có một số điểm mới như: Đối tượng điều chuyển sẽ chỉ là những giáo viên được tuyển dụng mới hàng năm và những giáo viên tình nguyện đi công tác ở vùng khó.
Quảng Trị sẽ không luân chuyển lên miền núi những cán bộ, giáo viên đã ổn định công tác và không có nguyện vọng.
Đối với giáo viên đang công tác ở các vùng khó khăn, có nguyện vọng chuyển về các vùng thuận lợi hơn, sẽ được xem xét bằng cách tính điểm dựa trên thời gian, thành tích công tác….
Tránh cát cứ
Từ thực tế của Quảng Trị, ông nghĩ ý tưởng xây dựng "đề án luân chuyển giáo viên vùng khó khăn" của Bộ GD-ĐT có khả thi không?
Tôi chưa nắm được cụ thể về đề án của Bộ GD – ĐT, nên chưa thể đưa ra nhận xét gì.
Nhưng theo tôi, trên thực tế, mỗi địa phương có đặc thù, điều kiện riêng. Nếu ban hành một văn bản quy phạm pháp luật áp dụng chung cả nước, tôi e rằng phù hợp với địa phương này thì không phù hợp địa phương khác.
Vì vậy, cần cân nhắc thận trọng: liệu có nên ban hành hẳn một nghị định về luân chuyển giáo viên hay không? Đối với công chức, viên chức các ngành khác thì sao, có luân chuyển hay không?
Và nếu có hẳn một nghị định về luân chuyến thì  liệu có "vênh" với các quy định khác mà Nhà nước đã ban hành hay không ?
Theo tôi, chỉ nên ban hành một quy định khung. Còn cụ thể thì để các địa phương tự quy định cho phù hợp thực tiễn của từng tỉnh, huyện…
Quan trọng nhất là phải thực hiện đúng nguyên tắc công khai, minh bạch…
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT phải cần nắm bắt những phản ánh của cơ sở về những bất cập, vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp..
Trước kia, đã có nhiều giáo viên công tác đi vùng cao, vùng khó khăn được hứa hẹn sẽ được nhận trở lại quê hương sau 5 năm, nhưng thực tế, rất khó để xin trở về. Vướng mắc chính ở đây là gì, thưa ông? 
Vướng mắc chính ở đây là biên chế.
Nhà nước giao biên chế, tiền lương cố định cho ngành giáo dục nên khi giáo viên hoàn thành nghĩa vụ trở về không còn ’chỗ" nữa.
Trường nào cũng phải đủ giáo viên đứng lớp chứ không thể để trống chỗ để chờ giáo viên đi nghĩa vụ về.
Để khắc phục tôi cho rằng, ngành nội vụ các địa phương phải có sự điều hoà chung trong toàn ngành, tránh cát cứ. Hiện nay, phổ biến tình trạng địa phương này thiếu giáo viên bộ môn này, thừa giáo viên bộ môn khác và địa phương khác thì ngược lại, nhưng không có sự phối hợp…

Dãy nhà ở ọp ẹp của giáo viên trường THCS Pú Đao, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lan Anh

Ổn định thay vì "đi nghĩa vụ"
Theo ông, dự kiến thời hạn phải đi "nghĩa vụ" là 5 năm liệu có hợp lý không?
Không chỉ có ngành giáo dục, mà ngành nào cũng thế, quan trọng nhất là tạo điều kiện ổn định để cán bộ an tâm công tác. Như vậy, thì mới có thể làm việc tốt được dù ở bất kể đâu, vùng thuận lợi hay vùng khó khăn.
Vậy đâu là giải pháp lâu dài để phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…?
Tôi cho rằng, về lâu dài phải tạo sự ổn định của ngành giáo dục vùng khó khăn, bằng cách đào tạo giáo viên tại chỗ, tạo điều kiện cho họ "an cư", có chính sách về đất ở, vay vốn xây dựng nhà ở; Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, đầu tư trang thiết bị giúp giáo viên vùng khó tiếp cận, cập nhật thông tin…
Mặt khác, cũng không nên quy định nghĩa vụ mà khuyến khích giáo viên tự nguyện, ưu tiên tuyển dụng sinh viên mới ra trường tình nguyện công tác lâu dài ở miền núi, đảm bảo ổn định đội ngũ giáo viên miền núi.
Lan Anh (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)