Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để hoạt động dạy thêm, học thêm trở nên lành mạnh, cần những giải pháp mang tính cốt lõi từ chính ngành GD-ĐT.
Học sinh học thêm tại một trung tâm dạy thêm học thêm tại Q.1, TP.HCM trước đợt 4 dịch Covid-19. V.X
2 lần đề xuất dạy thêm là kinh doanh có điều kiện
Năm 2020, Bộ GD-ĐT cho biết đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm (DTHT) văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này.
Đề nghị của Bộ GD-ĐT không được chấp nhận và kỳ họp Quốc hội cuối năm 2021, Bộ này cũng nhận được nhiều chất vấn của cử tri về vấn đề DTHT. Trong văn bản mới nhất trả lời cử tri về vấn đề này, Bộ này lý giải: luật Đầu tư 2016 đã loại bỏ dịch vụ tổ chức hoạt động DTHT ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Điều này gây khó khăn cho việc quản lý DTHT ngoài nhà trường.
Đại diện Bộ cho rằng: “Thời gian tới, nếu dịch vụ tổ chức DTHT được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17 về quy định về DTHT; đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc DTHT trên địa bàn; tăng cường chức năng giám sát của các tổ chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Do chưa có quy định khác thay thế nên việc cấp phép và quản lý DTHT ngoài nhà trường ở tất cả địa phương đến nay vẫn “án binh bất động”, không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động DTHT cũng như xử lý khi có sai phạm trong thời gian qua. Nhiều lãnh đạo ngành GD-ĐT cho biết các địa phương đang rất lúng túng, chưa biết hướng dẫn quản lý DTHT ra sao… Các địa phương cũng cho rằng nhu cầu DTHT là có thật, do đó Bộ cần sớm có văn bản chỉ đạo về vấn đề này.
Quản lý DTHT chưa đi vào các vấn đề sâu xa, cốt lõi
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng từ năm 2000 đến nay, nhiều quy định về việc chống DTHT tràn lan được ban hành nhưng thực tế vẫn đang diễn ra phức tạp, dư luận xã hội vẫn còn rất bức xúc.
Thực ra, việc học thêm ở thời nào cũng có và rất chính đáng. Vì có nhu cầu học thêm nên sẽ có việc dạy thêm. Chúng ta chống DTHT tràn lan. Nguyên nhân, DTHT tràn lan thì có nhiều, trong đó có mấy nguyên nhân đáng quan tâm là: chương trình, nội dung còn quá nặng; tâm lý chuộng bằng cấp trong xã hội còn phổ biến; một số không ít giáo viên (GV) ép học sinh phải học thêm…
“Các văn bản chống DTHT tràn lan chỉ tập trung vấn đề thứ ba (GV ép học sinh học thêm). Các nguyên nhân sâu xa như “chương trình, nội dung”, “tâm lý chuộng bằng cấp”… không có biện pháp cụ thể thì việc DTHT lành mạnh và bổ ích còn lâu mới trở lại ngày xưa”, ông Khang nói.
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khi nhà trường rèn được cho người học kỹ năng tự học thì sẽ không còn tồn tại hình thức dạy thêm như ngày nay.
Ở khía cạnh đời sống GV, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục Hà Nội, cho rằng trước hết phải giải quyết chế độ tiền lương thỏa đáng để GV “sống thật bằng nghề”. Nhà giáo yên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp về nghề dạy học. Phải làm rõ lao động của GV để có đãi ngộ xứng đáng, phải đo đạc có tính chất khoa học chứ không thể nói chung được.
Còn hệ thống trường chuyên thì còn nhu cầu DTHT
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, bình luận: “Từ các khóa trước, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất nhiều về vấn đề DTHT, tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết và kỳ này tôi chắc rằng một số kỳ nữa chúng ta vẫn phải bàn”.
Cần giải pháp tổng thể Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Quản lý DTHT cần giải pháp mang tính tổng thể. Cần cả những quy định về luật, về những quy định mang tính hành chính nhưng cần những giải pháp chuyên môn và cần cả những giải pháp về mặt quan điểm, tinh thần, thái độ và dư luận xã hội. Nhóm giải pháp về lĩnh vực chuyên môn, như vấn đề chương trình, phương pháp dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá là những vấn đề chúng tôi đang triển khai. Về kiểm tra, đánh giá thì thời gian sắp tới trong các phương án đổi mới kiểm tra, Bộ cũng tính đến điều chỉnh phương án thi THPT và kiểm tra đánh giá thường xuyên để làm sao từ góc độ kiểm tra, đánh giá có thể hạn chế được việc này…”. |
Cụ thể, theo ông Nguyễn Lâm Thành, có 4 vấn đề để giải quyết mang tính chiều sâu: “Thứ nhất, phải giảm tải chương trình từ chương trình sách giáo khoa. Thứ hai, cần đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ phương pháp dạy theo hình thức dồn kín, dồn ép kiến thức sang phương pháp dạy tư duy. Thứ ba, rất quan trọng nữa là phương pháp thi cử, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp thi cử. Đề thi tập trung vào những vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo của người thi, của học sinh. Thứ tư, vấn đề tổ chức hệ thống trường học. Nếu như chúng ta còn hệ thống trường chuyên thì đương nhiên nhu cầu DTHT là có, cần cơ sở để bồi dưỡng những nhân tài. Tuy nhiên, phải thay đổi nội dung và những phương pháp trong chương trình dạy và học ở các trường chuyên, để làm sao tạo được môi trường hài hòa, một môi trường phù hợp để các em có thể làm tốt công việc học tập”.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)