Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi): Sớm có văn bản hướng dẫn để tránh bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH – sửa đổi) được đánh giá có nhiều thuận lợi để triển khai với những quy định có lợi cho người lao động (NLĐ) nhưng để luật đi vào cuộc sống, được sự đồng thuận của NLĐ thì cần sớm có văn bản hướng dẫn thi hành… 

Đây là những trăn trở được nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Khu vực phía Nam thúc đẩy việc triển khai thi hành Luật BHXH và hoàn thiện pháp luật lao động trong quá trình hội nhập quốc tế” do Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội (UBVCVĐXH QH) phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH cùng BHXH Việt Nam tổ chức tại TP.HCM mới đây.

“Cả nước hiện chỉ có trên 11.640 người tham gia BHXH tự nguyện. Đáng lưu ý là phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia BHXH tự nguyện. Điều này đồng nghĩa trong tương lai, nước ta sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, tạo gánh nặng lên Nhà nước phải thực hiện trợ cấp an sinh xã hội để hỗ trợ cho cuộc sống người dân”, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm UBVCVĐXH QH – nêu thực trạng.

Trên thực tế, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia. Con số này dường như trái ngược với mong muốn của đại đa số người dân, nhất là người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Lao động ở nông thôn để có thu nhập và tham gia bảo hiểm phải sau 30 tuổi. Như vậy, nếu khuôn vào độ tuổi lao động chung thì nông dân, lao động tự do sẽ không có đủ số năm tương đương 75% lương tháng bình quân cả quá trình đóng. Trong khi đó, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng hiện nay là tương đương 22% mức lương lựa chọn, nên nếu chỉ dựa vào mức lương tối thiểu thì mỗi tháng họ phải đóng 253.000 đồng. Mức đóng này có thể không cao với một số cá nhân, nhưng với những nông dân thu nhập 600.000 đồng/tháng… thì không dễ. Hơn nữa, họ phải đóng kéo dài trong hơn 20 năm mới nhận được 75% lương tháng tính đóng, nên càng khó.  

Bà Võ Thị Hồng Thoại – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu – băn khoăn: “Các chính sách mới trong luật, còn gần 4 tháng nữa sẽ chính thức có hiệu lực thi hành nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong khi đây là những chính sách chưa từng được thực hiện ở nước ta, nhất là việc thực hiện chính sách hưu trí bổ sung; chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện… Mặt khác, luật mới đã trao quyền thanh tra chuyên ngành cho cơ quan BHXH, nhiệm vụ tăng nhưng lại không được tăng biên chế. Điều này liệu có hợp lý?”. Bà Thoại lo ngại: “Chức năng, trình độ chuyên môn của lực lượng thanh tra chuyên ngành này có cải thiện được tình hình doanh nghiệp trốn, đóng BHXH?”. Băn khoăn về tình hình chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì NLĐ phải lãnh đủ về khoản BHXH, ông Lê Thành Nhơn – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương – tâm tư: “Cần có văn bản hướng dẫn càng nhanh càng tốt, để có biện pháp mạnh đối với những chủ doanh nghiệp bỏ trốn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ trên địa bàn tỉnh. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ trả lương cho NLĐ khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, còn về chế độ BHXH thì tỉnh đang rất lúng túng, không biết phải hỗ trợ thế nào?”.

Trước những thực trạng bất cập từ các địa phương, ông Trần Hải Nam – Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất: “Với nhóm giải pháp về chính sách cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Luật BHXH, trong đó xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành cần tiếp tục tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của pháp luật để nâng cao tính khả thi trong tổ chức thực hiện”.

Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)