Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Luật bảo hiểm y tế sửa đổi: Đơn giản hóa quy trình khám chữa bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bằng BHYT. Ảnh: T.L
Luật bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2015 với nhiều điểm mới, mở rộng quyền lợi người tham gia để hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân.
Nhằm cung cấp thêm thông tin cho người dân, Bộ Y tế đã phối hợp với Báo Người lao động tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Luật BHYT: Những đổi mới mạnh mẽ” vào sáng 10-12 tại TP.HCM.Theo bà Tống Thị Song Hương (Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế), một trong những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi là bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người ngèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ…
Những điểm mới
Ông Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế cho biết, về mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân hiện vẫn còn nhiều thách thức bởi cho đến nay,  còn khoảng 30% số người chưa tham gia BHYT. Và để thực hiện BHYT bắt buột toàn dân, việc trước tiên theo ông Khảm là cần tăng cường tuyên truyền những điểm mới của luật, quyền lợi ưu việt đối với người dân tham gia BHYT. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm thực hiện chính sách BHYT của chính quyền các địa phương từ xã đến tỉnh nhằm phổ biến pháp luật, huy động nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT là người cận nghèo, người có thu nhập trung bình… Cũng theo ông Khảm, các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi là một trong những việc cần làm ngay. “Trốn đóng BHYT, lạm dụng quỹ BHYT… cần phải xử lý nghiêm theo nghị định số 176/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các quy định có liên quan. Việc giám sát, thanh, kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về BHYT phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa nhiều cơ quan như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội…”, ông Khảm nói.
Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có quy định mới là tham gia BHYT hộ gia đình, tức những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc tạm trú cùng tham gia BHYT. Theo ông Sơn, quy định mới này nhằm khắc phục tình trạng chỉ khi đau bệnh hoặc chỉ những người đau bệnh mới tham gia BHYT. Tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được ưu tiên giảm trừ mức đóng BHYT từ thành viên thứ hai trở đi. Theo đó, người thứ nhất có mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ bản. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm có mức đóng lần lượt bằng 70%; 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. Cũng theo quy định này, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT đối với hộ gia đình nông-lâm-ngư-diêm nghiệp.
Tham gia BHYT: Tránh rủi ro về tài chính
Trả lời thắc mắc của người dân về việc làm thế nào để đảm bảo số người tham gia BHYT ổn định và liên tục, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin: “Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2015 quy định, khi người tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh từ thời điểm đủ 5 năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản thì được BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh cho đến hết năm tài chính. Tuy nhiên, quỹ BHYT sẽ không chi trả cho những trường hợp tự đi khám hoặc chữa bệnh không đúng tuyến”.
Trước nhiều ý kiến người dân vẫn còn ngại khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT vì còn quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà, trong đó có “giấy chuyển tuyến”, ThS. Phạm Nhật Hải, Trưởng phòng Tài chính – Kế toán Bệnh viện Chợ Rẫy nói: “Theo thẻ BHYT, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là bệnh viện đa khoa tỉnh, nếu muốn khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân phải có giấy chuyển tuyến, thẻ BHYT còn giá trị sử dụng thì vẫn được hưởng chế độ BHYT theo quy định. Riêng những trường hợp khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không có giấy chuyển tuyến thì được hưởng chế độ BHYT 30% chi phí. ThS. Hải cho biết thêm, để giảm bớt thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám bệnh nhằm phục vụ tốt nhất bệnh nhân (không phân biệt người bệnh có sử dụng hay không sử dụng thẻ BHYT) khi khám chữa bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy có dịch vụ hẹn khám bệnh qua Tổng đài 1080”.
Người dân đang trông chờ Luật BHYT mới sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo… nhưng liệu người sử dụng BHYT có còn bị phân biệt? Ông Sơn cho rằng, người dân cũng có cái nhìn khách quan hơn về việc khám, chữa bệnh bằng BHYT, lợi ích trước mắt đối với người tham gia là tránh được rủi ro về tài chính.
Trần Anh
Theo ông Phạm Lương Sơn, mức đóng BHYT theo luật mới có hiệu lực từ 1-1-2015 vẫn giữ 4,5% theo nghị định số 105/2014/NĐ-CP. Mức đóng BHYT đối với HS-SV điều chỉnh từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở và thực hiện từ năm học 2016-2017. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)