Pháp luật về cạnh tranh được đặt ra suy cho cùng là để phục vụ, bảo vệ người tiêu dùng.Thế nhưng, vai trò của nó gần như hoàn toàn vắng bóng trước hàng loạt vụ việc đang gây bức xúc gần đây như vấn đề giá xăng, giá điện, giá thép, giá vốn (lãi suất ngân hàng)…
Vấn đề đang được xã hội quan tâm là giá xăng trên thế giới đã hạ rất mạnh, tuy nhiên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước lại không giảm giá bán tương ứng cho người tiêu dùng mà chỉ giảm một cách nhỏ giọt, không đáng kể.
Có ý kiến đề xuất rằng cần phải làm cho thị trường xăng dầu tăng tính cạnh tranh hơn nữa bằng cách mở rộng cửa cho thành phần tư nhân tham gia thay vì chỉ có 11 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ như hiện nay. Ý kiến này đúng nhưng chưa đủ vì mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận và vì mục tiêu ấy họ có thể thỏa hiệp với nhau bằng nhiều cách khiến cho tính cạnh tranh chỉ còn hình thức.
Làm sao có thể lý giải hiện tượng thị trường có 11 đầu mối kinh doanh xăng dầu với bộ máy, thị trường nhập khẩu, chi phí, quy mô… khác nhau nhưng đều đồng loạt giảm với một mức giá hoàn toàn giống hệt nhau? Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có việc thỏa thuận ấn định về giá bán giữa các doanh nghiệp?
Nếu có thì rõ ràng hành vi này đã vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Theo quy định, nếu chứng minh có việc thỏa thuận và các bên tham gia thỏa thuận ấn định giá cả hàng hóa chiếm thị phần kết hợp trên 30% là đã đủ yếu tố để xử lý vi phạm.
Trong khi những dấu hỏi về giá xăng dầu chưa được làm rõ thì mới đây lại xảy ra vụ việc liên quan đến giá thép. Đó là việc các thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong một cuộc họp đầu tháng 10-2008, thống nhất giữ giá thép ở mức 13,5-14 triệu đồng/tấn với lý do để không cho thị trường thép tuột dốc nhằm cứu các nhà sản xuất trong nước đang hoạt động cầm chừng vì nguồn cung đã dư thừa, không tiêu thụ được.
Thỏa thuận thống nhất không hạ giá thép có thể giúp cho một số doanh nghiệp, thậm chí cả ngành thép vượt qua được khó khăn nhưng về bản chất hành vi đó có thể làm triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường và do vậy quyền được mua hàng hóa với giá rẻ, chất lượng cao của cộng đồng người tiêu dùng rõ ràng đã bị xâm hại.
Đáng báo động là hiện tượng liên kết, thỏa thuận cản trở cạnh tranh như nói trên đang có nguy cơ trở nên phổ biến, ẩn hiện tinh vi dưới hình thức này hay hình thức khác. Việc ấn định lãi suất trần tiền gửi tiết kiệm của Hiệp hội Ngân hàng cách đây không lâu là một trong những ví dụ điển hình.
Ngoài ra, Luật Cạnh tranh cũng cấm hành vi lạm dụng vị thế độc quyền hoặc vị thế thống lĩnh thị trường để áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý, gây thiệt hại cho khách hàng. Áp đặt giá mua, giá bán bất hợp lý là “ép” mua của khách hàng với giá thấp và “ép” bán cho khách hàng với giá cao một cách quá đáng so với nhu cầu thị trường cũng như giá thành sản phẩm. Như vậy, có hay không hành vi áp đặt giá bán điện, xăng dầu… bất hợp lý của một số doanh nghiệp nhà nước độc quyền hoặc giữ vị trí thống lĩnh thị trường hiện nay cho người tiêu dùng?
Tất cả những vấn đề này rất cần được làm rõ mặc dù việc điều tra không hề đơn giản. Tiếc rằng, kể từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ 1-7-2005 đến nay hầu như chưa có vụ việc đáng kể nào được đưa ra công luận. Cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan nhà nước được giao nhiệm bảo vệ người tiêu dùng có vẻ vẫn còn “án binh bất động”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo một quan chức của Cục Quản lý cạnh tranh, là do nhân lực hiện còn quá yếu và thiếu. Trong tổng số 50 nhân sự của Cục thì Ban điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh chỉ vỏn vẹn có 4 người. Tuy nhiên, cái khó lớn hơn chính là xuất phát từ một số chính sách, pháp luật thiếu sự tương thích, khiến cho việc thực thi Luật Cạnh tranh trở nên “lạc lõng”.
Ví dụ, một mặt Chính phủ tuyên bố cho phép giá xăng dầu vận hành theo thị trường nhưng mặt khác Nghị định 75/2008/NĐ-CP do Chính phủ ban hành mới đây lại đưa xăng dầu vào diện hàng hóa được Nhà nước bình ổn giá. Theo đó, để thực hiện bình ổn giá Bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền quy định giá tối đa, giá tối thiểu đối với xăng dầu.
Tương tự, ngoài xăng dầu còn có 13 mặt hàng khác cũng thuộc diện bình ổn giá như thép, xi măng, phân bón, thóc gạo… Như vậy, trong trường hợp Nhà nước can thiệp về giá và việc can thiệp ấy dẫn tới gây phương hại đến lợi ích người tiêu dùng thì xử lý như thế nào? Chưa nói, Cục Quản lý cạnh tranh hiện chỉ là một cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương.
“Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì việc thực thi Luật Cạnh tranh cũng là một xu thế tiến bộ và tất yếu. Một số vụ việc vi phạm chắc chắn sẽ phải được xử lý để làm gương”, vị quan chức khẳng định.
TIẾN TÀI (TBKTSG)
Không chỉ tại Việt Nam mà ở Nga cũng có hiện tượng trùng hợp về giá xăng dầu bán ra từ một số công ty. Ngày 3-10-2008 Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga đã có bằng chứng cho rằng 3 công ty Lukoil-Uralnefteprodict OJSC, Gazpromneft-Tuymen OJSC và AZS-N1.Ltd của Nga đã vi phạm Luật Chống độc quyền khi tham gia vào các hoạt động thỏa thuận có tổ chức.
Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6-2008, các công ty này đã ấn định và duy trì một mức giá bán xăng AL-76 (80) và AL-95 (96) và dầu diesel tại Tuymen và các huyện lân cận. Theo cáo buộc, giá cả trùng hợp này không phải là một sự ngẫu nhiên. Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga đã không công nhận lập luận của các công ty và yêu cầu họ phải chấm dứt hành vi vi phạm.
Ngày 16-10 vừa qua, Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga cũng vừa chỉ thị cho bảy doanh nghiệp hàng đầu về xăng dầu của nước này phải giảm giá cho phù hợp với thị trường và nếu không thực hiện sẽ bị phạt theo quy định của Luật Chống độc quyền.
Trước đó, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã chỉ thị cho chính phủ thực hiện việc này với tuyên bố: “Mấy tháng trước, giá dầu thô 140 đô la Mỹ/thùng. Nay giá giảm còn phân nửa nhưng giá dầu ở Nga vẫn vậy là sao?”.
(Tổng hợp từ http://www.qlct.gov.vn và báo Pháp Luật TPHCM)
Bình luận (0)