Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Luật chưa đủ mạnh để xử lý quấy rối tình dục

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ có 13% trẻ em gái luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng và 31% em gái đã từng bị quấy rối tình dục (QRTD) trên xe buýt.

Đó là kết quả nghiên cứu về thực trạng, phòng ngừa và ứng phó QRTD và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái ở nơi công cộng TP.HCM đưa ra tại buổi chia sẻ và góp ý kết quả nghiên cứu do Sở LĐ-TB&XH TP và Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức sáng 27-10.

Nơi càng đông người, càng dễ bị QRTD

Theo bà Lê Thị Lan Phương, đại diện Tổ chức Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Woman), mục đích nghiên cứu là để thăm dò thực trạng phòng ngừa, ứng phó với QRTD và các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho xây dựng và thiết kế chương trình an toàn tại TP.HCM. Đây là một chương trình toàn cầu với mục tiêu giảm thiểu các hình thức bạo lực nơi công cộng; Tăng cường sự an toàn cho phụ nữ và giảm thiểu nỗi sợ bị quấy rối ở nơi công cộng; Tăng cường sự tự do di chuyển của phụ nữ và trẻ em gái trong TP.

Theo bà Phương, TP.HCM là TP thứ 21 trên thế giới tham gia sáng kiến toàn cầu an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Báo cáo chương trình TP an toàn và thân thiện với trẻ em gái theo khảo sát của Tổ chức Plan Vietnam, nguy cơ bị quấy rối với trẻ em ở nơi công cộng và trên xe buýt là cao. Theo đó, chỉ có 13% trẻ em gái và 8% trẻ em trai cảm thấy an toàn nơi công cộng.

Các hình thức quấy rối phổ biến là quấy rối bằng lời nói, động chạm, sờ mó bộ phận nhạy cảm của cơ thể, nam giới khoe bộ phận sinh dục. Riêng tấn công tình dục ít phổ biến hơn và chủ yếu ở các quán bar, bán rượu. Địa điểm quấy rối là nơi đông người, lễ hội, đặc biệt là hồ bơi, phòng thay đồ, nhà vệ sinh công cộng, tiệm internet, đường ngõ hẻm vắng, tối đèn, môi trường giáo dục, nơi làm việc và trong giao thông vận tải công cộng (xe buýt, trạm xe buýt, bến xe, xe giường nằm chạy đêm).

Đối tượng dễ bị quấy rối là người chuyển giới, phụ nữ hành nghề mại dâm, thanh thiếu niên từ 13-14 tuổi, sinh viên, phụ nữ tuổi từ 16-30 tuổi, phụ nữ nhập cư, người giúp việc, nữ công nhân vệ sinh môi trường làm việc đêm, phụ nữ trẻ sống một mình trong phòng trọ…

Thủ phạm QRTD là nam giới trẻ đến tuổi trung niên, người sử dụng ma túy, nghiện rượu thất nghiệp, lang thang và thích phô bày chỗ kín, nam giới bệnh hoạn có nhu cầu tình dục cao. Phụ nữ ăn mặc hở hang, gợi cảm cũng là yếu tố kích thích nam giới thực hiện QRTD.

Nạn nhân không biết cầu cứu ai

Cũng theo nghiên cứu này, các cô gái trẻ không biết tìm đến ai để được trợ giúp, chỉ chia sẻ với bạn bè; phụ nữ hành nghề mại dâm không dám gọi cho cảnh sát; phụ nữ khuyết tật thì bi quan…

Nghiên cứu chỉ rõ khoảng trống về chính sách pháp luật liên quan đến bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Cụ thể, tại Việt Nam hầu như không có các định nghĩa chính thức, rõ ràng về bạo lực tình dục và QRTD mà chỉ ra rải rác trong một số luật và bộ luật. Như Luật Lao động có chỉ ra tội danh “QRTD” nhưng không có định nghĩa và liệt kê các hành vi cụ thể. Điều 21 Luật Hôn nhân và gia đình có ghi: Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau”, có thể tăng thêm một số trở ngại cho việc tố cáo hành vi liên quan đến bạo lực gia đình. Hay như Luật Phòng chống bạo lực gia đình nghiêm cấm các hành vi bạo lực tình dục (được định nghĩa là cưỡng ép quan hệ tình dục), và trong chỉ dẫn cũng không nêu chi tiết… Tất cả những quy định trên chưa thể hiện sự mạnh mẽ và đầy đủ của pháp luật với nạn QRTD và bạo lực tình dục.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất Việt Nam cần có luật về phòng chống QRTD và định nghĩa rõ ràng QRTD trong luật. Luật sư Phan Thanh Minh, giảng viên Trường ĐH Lao động Xã hội cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn về cách xử lý các trường hợp QRTD, quy định cơ quan nào có thẩm quyền xử lý và đủ năng lực xử lý hành vi QRTD.

T.An

Bình luận (0)