Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Luật Công nghệ cao chưa hiệu lực đã được đề nghị sửa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 1/7, Luật Công nghệ cao chính thức có hiệu lực, tuy nhiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng luật vẫn còn nhiều điểm cần sửa đổi để hoàn thiện hơn trong thực tế.

Tại hội thảo chuẩn bị triển khai Luật Công nghệ cao do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức hôm 11/6, nhiều doanh nghiệp cho rằng luật khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhưng vẫn còn nhiều rào cản.

Cụ thể, công tác thẩm định dự án vẫn còn gặp khó khăn do thiếu những tiêu chí chính xác cho một số dự án như loại hình dịch vụ, đào tạo. Trước đây các doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 53 của Chính phủ. Tuy nhiên hiện luật chưa có quy định ưu đãi riêng dành cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau hoạt động trong khu công nghệ cao. Vì vậy không có căn cứ để cấp ưu đãi khác biệt cho từng loại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Mai, nguyên Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp cao TP HCM, trao đổi tại buổi hội thảo. Ảnh: Hà Mai.

Theo quy định hiện nay thì việc đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao phải có quyết định của Chính phủ cùng các ban ngành liên quan. Vì thế thời gian để hoàn tất thủ tục khá lâu. Các doanh nghiệp đề nghị nên để địa phương xem xét và đưa ra quyết định, như vậy sẽ tạo thuận lợi cho công ty mau chóng đi vào hoạt động.

Bà Nguyễn Bích Liên, Phó Tổng giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Công nghệ Bán dẫn Toàn cầu Việt Nam, đề nghị đưa thêm mảng dịch vụ công nghệ cao vào quy định "điều kiện công nhân doanh nghiệp cao" của Luật. Theo bà Liên, dịch vụ công nghệ cao mang lại lợi ích giá trị gia tăng cao, đòi hỏi đầu tư cao về công nghệ, nhân lực và nghiên cứu khoa học.

Đại diện Công ty Intel Product Việt Nam cho rằng phải quy định thời hạn từ 3 đến 5 năm thì nhân viên của doanh nghiệp công nghệ cao mới được chuyển sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh; hoặc góp vốn, quản lý, thành lập công ty trong cùng lĩnh vực. "Nếu không có thời hạn cụ thể sẽ rất khó kiểm soát nhân viên cũ tiết lộ bí mật công nghệ cho công ty mới của mình", đại diện Intel nhấn mạnh.

Theo Luật thuế thu nhập cá nhân mới, ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài không còn nữa. Do đó doanh nghiệp công nghệ cao khó thu hút được nguồn nhân lực từ nước ngoài do họ phải chịu đóng thuế hai lần ở nước sở tại và Việt Nam. Vì vậy rất cần thuế suất riêng cho nhân lực công nghệ cao hoặc đưa ra những khoản giảm giảm trừ ưu đãi hợp lý.

Tiến sĩ Giang Tran, Giám đốc Công ty Mamprotech, cho rằng các tiêu chí của luật hoàn toàn phù hợp với hoạt động của các công ty công nghệ sinh học. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam và quốc tế vẫn chưa tương đồng trong lĩnh vực công nghệ tế bào gốc. Do đó ông đề nghị nhà làm luật có thể tham khảo các chính sách, ưu đãi mà chính phủ Mỹ và Australia áp dụng cho lĩnh vực này, để tạo điều kiện phát triển cho công nghệ sinh học tại Việt Nam.

Các ý kiến về phát triển nguồn nhân lực cao tại Việt Nam cũng đề cao sự phát triển bền vững bằng cách đào tạo trong nước chứ không dựa hoàn toàn vào nhân lực từ nước ngoài. Giải pháp đưa ra là liên kết đào tạo giữa các khu công nghệ cao với những trường đại học trong và ngoài nước, gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu với sản xuất thực tế…

Hà Mai (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)