Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Luật Điện ảnh sửa đổi: Thông rồi nên sẽ thoáng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau nhiều lần chỉnh sửa dự thảo, lấy ý kiến, ngày 15/6, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi.

Luật gồm 8 chương, 50 điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh. Đây là lần thứ hai Luật Điện ảnh được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người làm nghề. Những thay đổi này nhìn chung thỏa mãn được nhu cầu thực tế, chỉ còn để lại vài băn khoăn nhỏ. 

Quy định đoàn phim quốc tế phải có kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết phần quay bối cảnh Việt Nam bằng tiếng Việt được xem là không cần thiết (trong ảnh: Phim Kong: Đảo Đầu lâu có nhiều cảnh quay tại Việt Nam)

Quy định đoàn phim quốc tế phải có kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết phần quay bối cảnh Việt Nam bằng tiếng Việt được xem là không cần thiết. Ảnh: Phim Kong: Đảo Đầu lâu có nhiều cảnh quay tại Việt Nam

Luật Điện ảnh sửa đổi lựa chọn cả hai cách tiền kiểm và hậu kiểm quản lý phim trên không gian mạng, chứ không chọn một trong hai dễ gây sơ sót.

Tiền kiểm tức là “siết” hơn về các quy định đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng. Đơn vị phát hành tự phân loại phim, nhưng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước biết danh sách phim và mức phân loại trước khi phổ biến.

Phương thức này phù hợp, vì tiền kiểm như cách đang làm với phim chiếu rạp là bất khả thi. Riêng khâu hậu kiểm có áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm là cách giải quyết hợp lý, vì không nhân lực nào đủ để kiểm soát hết các nội dung trên mạng.

Việc luật quy định các tỉnh, thành phố được cấp giấy phép phân loại phim khi đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có giá trị toàn quốc, là bước tiến đáng kể. Quy định mới không chỉ giảm tải khối lượng công việc cho Hội đồng duyệt phim quốc gia, mà còn giải tỏa áp lực thời gian của đơn vị phát hành.

Lâu nay các nhà phát hành khá mệt mỏi khi phải xếp hàng chờ duyệt phim, nhất là vào mùa cao điểm như tết. Có khi gần thời điểm phim chiếu ra mắt, nhưng giấy phép phim chưa kịp có, khiến đơn vị phát hành như ngồi trên lửa. 

Tuy vậy, luật sửa đổi vẫn còn một vài điểm gây băn khoăn. Điển hình là vấn đề cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Quy định đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam quay phải cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam hợp lý, nhưng yêu cầu văn bản được viết bằng tiếng Việt là không nên. Tiếng Anh hiện nay đã được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, việc thẩm định kịch bản bằng tiếng Anh cũng nên là kỹ năng cần có ở những người làm công tác chuyên môn ở bộ phận quản lý cấp Nhà nước. Thêm một công đoạn dịch thuật là thêm một rào cản nho nhỏ đối với các nhà làm phim nước ngoài đến nước ta. 

Về câu chuyện lâu năm của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, luật sửa đổi tiếp tục gieo hy vọng khi quyết định giữ quỹ này, và sẽ có các hướng dẫn về nguồn thu, cách vận hành. Dù vậy khả năng quỹ đi vào hoạt động vẫn khá mong manh, bởi nếu không, quỹ đã vận hành từ khi luật ra đời vào năm 2006 chứ không phải nằm trên giấy từ đó đến nay. Hơn nữa, ngoài việc xác định nguồn thu hay cơ chế vận hành, thì tư duy đổi mới của những người điều hành quỹ và sự minh bạch quỹ cũng là điều cần thiết. Mà những điều này thì luật không đề cập.

Theo Nguyễn Ngọc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)