Sự kiện giáo dụcTin tức

Luật Giáo dục đại học: Cần thực chất và đổi mới

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện ĐH Đà Nẵng bàn về những vấn đề liên quan đến ĐH vùng, ĐHQG tại hội nghị
Ngày 29-4, tại TP.HCM, hội nghị lấy ý kiến về việc xây dựng Luật Giáo dục đại học (GDĐH) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội làm việc ngày cuối cùng. Trước đó, tại phía Bắc, nhiều đại biểu tham gia hội nghị đều nhận định, dự thảo luật còn đơn giản, thiếu cụ thể, chưa đủ mạnh để thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Hơn chục năm chờ luật
Tại TP.HCM, đại diện nhiều trường tham dự hội nghị cũng cho rằng, Luật GDĐH còn “né tránh”; nhiều điều khoản trong dự luật chưa thật sự thuyết phục, cần lược bỏ.
Trong tờ trình về dự án Luật GD-ĐH gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 4-2011, Bộ GD-ĐT xác định cần thiết ban hành Luật GDĐH, nhất là trong điều kiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về GDĐH còn rất phân tán, thiếu hiệu lực pháp lý. Phương pháp quản lý Nhà nước đối với cơ sở GDĐH chậm thay đổi, không đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống… sau hàng chục năm đổi mới đất nước và thực hiện chiến lược phát triển GD 2001-2010. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng cho rằng, việc ban hành những luật điều chỉnh các lĩnh vực GD, đặc biệt lĩnh vực GDĐH đã được đợi chờ từ hơn 10 năm nay (từ khi Quốc hội thông qua Luật GD năm 1998 và 2005, được hiểu là “luật khung” quy định chung nền GD nước nhà). Trong điều kiện chất lượng GDĐH ngày càng bộc lộ những yếu kém thì việc ra đời một dự luật, tạo tiền đề cho Luật GDĐH thật sự là một tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, theo GS. Trân, dự thảo giống như là kết quả của việc trích xuất, sắp xếp lại, có sử dụng một số nội dung trong Điều lệ trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22-9-2010. GS. Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng đồng tình, cho rằng những vấn đề then chốt, “gay cấn” của GDĐH hiện nay đều bị “né tránh”. Ông đơn cử, về cơ cấu – hệ thống GDĐH, việc tổ chức phân tầng GD, thế giới đã tranh cãi hơn 40 năm nay và đã ngã ngũ hết, nhưng đến giờ luật chúng ta vẫn chưa đề cập tới. Rất nhiều điểm hạn chế khác của dự luật cũng đã được các đại biểu bàn luận cụ thể, chi tiết. GS.TS Trần Ngọc Đường (Viện Nghiên cứu Lập pháp) thẳng thắn đánh giá: “Hình thức thể hiện của dự thảo luật chưa đủ cụ thể để điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội trong tổ chức và hoạt động GDĐH. Các quy định còn mang tính nguyên tắc, chung chung. Có đến trên 10 điều khoản giao cho Chính phủ và Bộ GD-ĐT quy định mà chưa quy định ngay trong luật. Các chế tài cũng chưa quy định cụ thể, rõ ràng và đủ mạnh”.
Luật cần thực chất và đổi mới
Với việc không có quy định giao tự chủ cho hội đồng trường, GS. Phạm Phụ cho rằng, dự thảo luật là một bước… thụt lùi so với Luật GD của chúng ta những năm về trước. Trên thực tế, hội đồng trường trong các trường công lập được xem là công cụ hữu hiệu để thực hiện tự chủ, nâng cao trách nhiệm xã hội. Trong thực tế, quy định về hội đồng trường đã có trong Luật GD, điều lệ trường ĐH và nhiều văn bản khác, nhưng cho đến nay chỉ số ít các trường ĐH thành lập, một số nơi sau khi thành lập lại hoạt động thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, để trao quyền tự chủ cho trường ĐH, đồng thời đảm bảo tính dân chủ của nhà trường thì hội đồng trường là cơ chế tất yếu không thể thiếu. Bà Phạm Thị Ly (Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực ĐHQG TP.HCM) cho rằng, dù chưa thực sự hoạt động hiệu quả nhưng không có nghĩa là hội đồng trường không quan trọng. Vấn đề là tìm ra cách khắc phục để phát huy hiệu quả chứ không nên bỏ đi.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ vui mừng vì trong dự luật, vấn đề giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các trường đã được đề cập đến. Nhưng tự chủ ở mức độ nào, ở lĩnh vực gì, trong phạm vi như thế nào hay việc sai phạm của đơn vị khi áp dụng sai quyền tự chủ phải chịu trách nhiệm đến đâu… thì vẫn chưa quy định rõ. TS. Trương Tiến Hưng (Trường Chính trị Ninh Thuận) nhận xét: “Những nội dung liên quan đến tự chủ của các cơ sở GDĐH được nêu trong luật còn chịu lệ thuộc quá nhiều vào các văn bản dưới luật của Chính phủ, Bộ GD-ĐT”…
Vấn đề kiểm định chất lượng GD-ĐH đã được bố trí thành mục riêng trong dự thảo, chứng tỏ được tầm quan trọng của hoạt động này. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Ly nhắc lại quan điểm, cần có tổ chức kiểm định độc lập nếu muốn hướng đến hiệu quả thực sự. Vì dù có mở rộng quyền lựa chọn tổ chức kiểm định cho các trường (nghĩa là không có độc quyền kiểm định) nhưng dự thảo cũng khẳng định, Bộ GD-ĐT sẽ là đơn vị quản lý các tổ chức kiểm định. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân kiến nghị: “Luật GDĐH nên ban hành khi nó đặt nền tảng pháp lý rõ ràng để giải quyết các yếu kém và bất cập hiện nay của GDĐH; đồng thời thể hiện sự đổi mới thực sự về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này”.
Bài, ảnh: M.T

Bình luận (0)