Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Luật Giáo dục ĐH: Cần giải quyết những vấn đề cốt tử của giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đã tổ chức ba lần lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Giáo dục ĐH tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng trước đó, nhưng đến lần này, các nhà giáo dục vẫn cho rằng nhiều điều quy định trong Dự thảo Luật Giáo dục ĐH còn chưa rõ ràng, thiếu khả thi…

Nhiều bất cập chưa giải quyết
Dự thảo luật lần này có 13 chương, 72 điều. Sau quá trình thẩm tra sơ bộ dự án luật này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhìn nhận, so với yêu cầu của một dự án luật mới về lĩnh vực quan trọng như giáo dục ĐH thì dự thảo luật còn nhiều bất cập nhưng chưa giải quyết thấu đáo, triệt để; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa luật này và Luật Giáo dục. Việc có nhiều điều khoản không được làm rõ trong luật mà giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định sẽ gây khó cho vấn đề thi hành luật trên thực tiễn. Đồng thời, vấn đề giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH-CĐ chỉ được quy định một cách chung chung, thiếu cơ chế rõ ràng, nhất là trong các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ và đảm bảo chất lượng. Dự thảo luật cũng chưa nêu rõ các biện pháp tăng cường quản lý, đặc biệt, quản lý chất lượng trong hợp tác liên kết quốc tế về giáo dục ĐH; chưa có quy định để bảo vệ quyền của người học trong liên kết đào tạo với nước ngoài thay vào đó mới chỉ khuyến khích sự hợp tác quốc tế.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) cũng nhận định rằng, dự thảo luật lần này chưa giải quyết được những vấn đề cốt tử của giáo dục ĐH hiện nay, đó là việc xác lập các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. GS.TS Thuyết thống kê, giai đoạn từ năm 1998 đến 2009, trung bình 2 tuần có 1 trường ĐH, CĐ ra đời. Điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo không theo kịp sự gia tăng nhanh chóng của quy mô đào tạo. Do đó, chất lượng sinh viên được đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập.
Dự thảo luật cũng không quy định hội đồng trường đối với các ĐH, CĐ (dù trước đó đơn vị này đã “có mặt” trong Luật Giáo dục 2005) và điều này đã nhận được rất nhiều ý kiến phản đối. Trong tờ trình về Dự án Luật Giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT gửi Chính phủ có nêu thực tế các năm qua, cả nước chỉ có 10/188 trường thành lập hội đồng trường, mà hoạt động lại không hiệu quả. Dù bộ có liên tục nhắc nhở nhưng các trường không chịu thành lập hội đồng trường vì cho rằng không phù hợp với hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) cho rằng, không thể vin vào lý do hoạt động của hội đồng trường thiếu hiệu quả mà không quy định trong luật. Thay vào đó phải tìm ra nguyên nhân để cải thiện tình trạng này.
Cần thêm thời gian xây dựng luật
GS. Trân còn chỉ ra rất nhiều nội dung cần được làm rõ tại dự thảo luật. Đối với vấn đề thành lập trường, GS. Trân nêu quan điểm: “Mỗi dự án thành lập trường ĐH cần phải có luận chứng được xét nghiêm túc, nghiêm minh và đảm bảo tính khả thi. Thà ít dự án xin thành lập khả thi hơn là có nhiều dự án mà tính khả thi không rõ ràng; có giấy phép rồi mới bắt đầu chạy lo gom góp tài chính, xin đi vào hoạt động “non” để kiếm lời, bất kể chất lượng đào tạo”. Việc nở rộ các trường ĐH tư thục chất lượng không đồng đều “vàng thau lẫn lộn” có nguyên nhân từ cách cho phép thành lập lỏng lẻo, cộng với du di, “thông cảm”.
Đại biểu Quốc hội TS. Trần Du Lịch cũng đặt vấn đề chú trọng đến chất lượng đào tạo khi xây dựng luật. Theo TS. Lịch, chúng ta đã duy trì quá lâu kiểu “đại học dạy đại học”, chạy theo thành tích, chú trọng phát triển số lượng mà thiếu đảm bảo đến chất lượng. TS. Lịch còn so sánh, một tiến sĩ tại Mỹ về chỉ được trợ giảng, sau phụ giảng là giảng dạy cao học và giảng dạy sinh viên năm nhất – năm 2 là những giáo sư lão luyện trong khi nước ta thì ngược lại. Về mô hình tổ chức, TS. Lịch cho rằng, trước đây chúng ta dựa vào mô hình Liên Xô cũ, có nhiều ưu việt. Nhưng cải cách giáo dục, triết lý giáo dục Việt Nam nên chọn hệ thống giáo dục nào để cải biến cho phù hợp Việt Nam chứ không nên lấy chỗ này một ít, chỗ kia một ít dẫn đến thiếu tính hệ thống, khó phát triển.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng Luật Giáo dục ĐH cần chi tiết, cụ thể như Luật Giao thông để các trường điều chỉnh hoạt động tại cơ sở. GS. Trân cho rằng, cần thời gian để đầu tư làm một luật hoàn chỉnh hơn là cứ ra luật rồi lại sửa đổi. “Luật Giáo dục ĐH chỉ nên ban hành khi nó đặt nền tảng pháp lý rõ ràng để giải quyết các yếu kém bất cập đã quá kéo dài và thể hiện sự đổi mới thật sự về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục” – GS. Trân nói.
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)