Sự kiện giáo dụcTin tức

Luật Giáo dục ĐH vẫn còn chung chung

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp

Chiều 14-11, tại phiên thảo luận trên hội trường Quốc hội, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến để góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục ĐH. Theo các đại biểu thì Dự thảo Luật vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi của giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay.
Theo ông Lê Văn Học, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, một số nguyên tắc mà luật đề ra để giao quyền tự chủ vẫn còn vướng nhiều khó khăn. Chẳng hạn, để giao quyền tự chủ phải dựa vào kết quả kiểm định chất lượng. Song với số lượng hơn 400 cơ sở giáo dục như hiện nay, liệu bao giờ mới kiểm định xong.
Cũng theo ông Học, quy định về việc bộ có quyền giao và thu hồi quyền tự chủ cho các trường vẫn thể hiện tư tưởng xin – cho. Hơn thế nữa, trong luật cũng không đưa ra lộ trình cụ thể cho vấn đề này. Ông Học và nhiều đại biểu khác cho rằng, đã bàn chuyện giao quyền tự chủ là phải có cơ chế hội đồng trường, với cơ cấu và chức năng rõ ràng. Chủ tịch hội đồng trường phải có vị thế độc lập, không thể để cho hiệu trưởng kiêm nhiệm.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng thấy quy định đưa ra có vẻ rất hay nhưng bao giờ cũng chốt “giao Thủ tướng, giao Chính phủ”. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong Dự án Luật chưa rõ. Dự án Luật vẫn cho thấy cơ quan quản lý Nhà nước tham gia quá sâu vào cơ chế vận hành của các trường. Còn theo đại  biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), quy định về quyền tự chủ vẫn còn khắt khe, cơ bản vẫn giao quyền quyết định cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Bà đề nghị nên quy định lộ trình luôn trong luật, cùng với đó là chế tài xử lý với các trường vi phạm… Tuy dự án được chuẩn bị công phu, tham vấn nhiều nơi nhưng một khi chưa đáp ứng được yêu cầu thì cứ thực hiện Luật Giáo dục hiện hành.
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cũng rất bức xúc về tình trạng Dự thảo Luật còn chung chung, né nhiều vấn đề cốt yếu của giáo dục ĐH. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng Quốc hội thường vẫn nói phải tránh tình trạng ban hành luật khung, luật ống. Nhưng trong trường hợp này lại có luật né… Ông Đáng cũng mạnh dạn đề nghị Quốc hội xin dừng lại. Vì theo ông, gọi là luật “né” vì Dự thảo Luật vẫn còn chung chung, né tránh hầu hết các vấn đề cốt tử của giáo dục ĐH. Các vấn đề lớn trong giáo dục đang còn bị “nén” lại, né tránh. Hầu hết những điều khoản quan trọng đáng lẽ phải được làm rõ trong luật thì lại tiếp tục được chuyển lên cho Thủ tướng hoặc Chính phủ quy định. Nhiều ý kiến cũng tán thành với phân tích của ông Đáng. Như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận xét, đây là một dự án luật quan trọng được xã hội đặc biệt quan tâm, song ngay Quốc hội cũng chưa đánh giá đúng ý nghĩa của nó, chỉ dành một nửa buổi chiều để đại biểu thảo luận trong khi không ít dự án khác được dành trọn một buổi.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)