Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Luật Giáo dục nghề nghiệp: Băn khoăn chọn ngành quản lý

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết thực hành của học sinh Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn
Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được Quốc hội thông qua nhưng vẫn để ngỏ cơ quan quản lý Nhà nước chung. Đa số chuyên gia đồng tình với việc hợp nhất các trường CĐ, CĐ nghề, TCCN, TC nghề về một mối nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn nên giao GDNN cho Bộ GD-ĐT hay Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) quản lý…
Quá muộn
Nhiều năm nay, GDNN phân tách thành hai bộ phận do hai bộ thực hiện quản lý Nhà nước, trong đó Bộ GD-ĐT quản lý hệ thống giáo dục chuyên nghiệp gồm TCCN và CĐ, Bộ LĐ-TB&XH quản lý hệ thống dạy nghề gồm sơ cấp nghề, TC nghề và CĐ nghề.
Khi Quốc hội thông qua Luật GDNN, hợp nhất các trường CĐ, CĐ nghề, TCCN, TC nghề về một mối đã được nhiều chuyên gia đồng tình. Tuy nhiên đại đa số cho rằng việc làm này là quá muộn. Ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội Dạy nghề TP.HCM khẳng định: “Nhập giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục dạy nghề về một hệ thống là đúng vì nếu tách hai hệ thống này ra làm riêng thì quả thật không giống ai. Tuy nhiên, việc làm này là đã muộn làm cho hệ thống này trở nên lộn xộn. Dù vậy, muộn vẫn còn hơn là không làm”.
Dù cho rằng việc hợp nhất này là đúng nhưng ông Nguyễn Minh Thành cho rằng: Luật được Quốc hội thông qua nhưng khá vội vàng, tôi nghĩ nên lấy thêm ý kiến của nhiều địa phương, nhiều đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật thì thuyết phục hơn”.
Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn thì cho rằng việc hợp nhất giáo dục dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp lại là đúng nhưng khung chương trình chưa đạt yêu cầu. Ông Khoa giải thích: “Khung trình độ đào tạo ở Việt Nam hiện phức tạp “nhất thế giới” nên Quốc hội thông qua luật sáp nhập này là hợp lý. Các nước trên thế giới cũng có hệ thống dạy nghề nhưng chỉ tồn tại hai loại hình là sơ cấp nghề (đào tạo ngắn hạn) và CĐ nghề (đào tạo 2 năm). Trong khi đó, Việt Nam có đến 3 loại hình là sơ cấp nghề (đào tạo ngắn hạn), TC nghề (2 năm) và CĐ nghề (3 năm). Điều này có nghĩa là một người học nghề 2 năm ở Việt Nam ra thì có bằng TC, còn ở nước khác như Thái Lan thì có bằng CĐ. Như vậy cơ hội việc làm lao động Thái Lan thường cao hơn dù thời gian và nội dung chương trình đào tạo đều như nhau nhưng bằng cấp cao hơn”.
Nên giao cho bộ nào quản lý?
Phần lớn các ý kiến cho rằng nên giao cho Bộ GD-ĐT quản lý. “Nên giao cho Bộ GD-ĐT quản lý là hợp lý nhất bởi chỉ có Bộ GD-ĐT mới có đầy đủ hệ thống bộ máy quản lý để tránh tốn kém nhất cho Chính phủ. Còn nếu đưa cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì sẽ “đẻ” ra thêm hệ thống quản lý và nghiên cứu làm tốn kém thêm trong khi Bộ GD-ĐT đã có chức năng này rồi. Nếu nói rằng Bộ LĐ-TB&XH quản lý giúp hệ thống việc làm tốt hơn thì việc làm xưa nay do bộ này quản lý vẫn thất nghiệp như thường. Những dự án và ngân sách cho các trường nằm trong hệ thống này chủ yếu là tiền viện trợ của nước ngoài chứ không phải là ngân sách Nhà nước nên bộ nào quản lý cũng được đầu tư như nhau”, ông Đỗ Hữu Khoa nhận định.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cho hay: “Tôi cho rằng với hệ thống trường CĐ, vẫn nên để Bộ GD-ĐT quản lý. Từ khi thành lập đến nay, dưới sự quản lý của Sở GD-ĐT TP.HCM, trường chúng tôi đã có sẵn hệ thống khung chương trình và nhà trường đã khẳng định được uy tín của mình qua quá trình đào tạo, số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm và số lượng tuyển sinh hàng năm. Hiện nay, không chỉ có bậc CĐ mà ngay cả bậc TCCN chúng tôi đã được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo theo hệ thống tín chỉ giống các trường ĐH khác. Mặc dù các trường do Bộ LĐ-TB&XH quản lý và được bộ này triển khai nhiều dự án thì chúng tôi cũng được sở cấp phép và hỗ trợ triển khai nhiều dự án thiết thực, kể cả các dự án liên kết với các trường uy tín ở nước ngoài. Bởi vậy, tôi cho rằng nên để Bộ GD-ĐT quản lý”. Ngoài ra, bà Lý còn cho rằng bậc CĐ từ trước tới nay giao cho Bộ GD-ĐT quản lý rất tốt, hàng năm đều tổ chức tuyển sinh chung với bậc ĐH nên chất lượng đầu vào tốt, được phụ huynh tin cậy.
Còn ông Nguyễn Minh Thành thì chia sẻ: Giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý là không phù hợp vì bộ này lo về việc làm, lao động, giải quyết chế độ chính sách còn nếu quản lý GDNN thì không đúng chức năng.
Bài, ảnh: Dương Bình
Xây dựng thể chế nghiêm thì bộ nào quản lý cũng được
Người sử dụng quyết định “sản phẩm” đào tạo của sư phạm nên giao cho Bộ GD-ĐT quản lý hay Bộ LĐ-TB&XH quản lý không phải là vấn đề quan trọng mà người vạch định chính sách cần suy nghĩ thấu đáo cơ quan quản lý nào có thể tạo ra sản phẩm chất lượng. Và để cho GDNN có chất lượng thì chúng ta phải giải bài toán như thế nào?
Theo tôi, đây không phải là bài toán giao cho bộ này bộ kia quản lý mà đầu tiên phải xác định chuẩn đầu ra của GDNN từ bậc TC đến CĐ, chuẩn đầu ra đó phải phục vụ được ngay cho tiến độ phát triển nhu cầu nhân lực lao động. Thứ hai, sinh viên sau khi tốt nghiệp TC, CĐ hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động hoặc có thể hoàn chỉnh thêm kiến thức liên thông lên bậc học cao hơn thì phải ưu tiên cho những nghề liên thông đang học, hạn chế liên thông trái ngành. Để làm được vấn đề này, cần xây dựng một thể chế đúng và mạnh, chẳng hạn như khi xác định đào tạo các bậc TC, CĐ ra thì khi liên thông cũng liên thông đúng ngành nghề đã đào tạo, nếu học CĐ ngành cơ khí thì liên thông lên ĐH cũng phải ngành này chứ không thể liên thông lên ĐH ngành quản trị được.
Sau khi xây dựng một thể chế thật nghiêm cộng với chuẩn đầu ra có xã hội và cơ quan chức năng giám sát cộng với một số thể chế giám sát của chương trình quốc tế sẽ giải quyết được chất lượng đào tạo chứ vấn đề không phải là cơ quan quản lý nào mới làm tốt.
Ông Trần Thanh Hải 
(Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông)
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)