Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Luật Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều vấn đề còn chưa sáng tỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường CĐ Nghề Việt Nam – Singapore thực hành tại xưởng cơ khí
Từ ngày 1-7, Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều nhà quản lý GDNN vẫn còn băn khoăn về thời gian đào tạo, chính sách học phí, khung chương trình đào tạo trong luật này…
Đó là những vấn đề được đưa ra tại tọa đàm Góp ý kiến cho các dự thảo nghị định, nghị quyết, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật GDNN do Hội GDNN TP.HCM tổ chức tại Trường CĐ Nghề Việt Nam – Singapore vừa qua.
Học phí tính thế nào với đào tạo theo mô-đun?
Theo Luật GDNN, điều 33 về tổ chức quản lý đào tạo, thời gian đào tạo bằng trung cấp đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên chỉ còn từ 1-2 năm khi học niên chế (theo quy định hiện hành là 3-4 năm do phải học thêm văn hóa THPT). Đối với người có bằng tốt nghiệp THCS, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao hơn thì phải tích lũy thêm nội dung văn hóa THPT. Với điều khoản này, luật gia Dương Minh Kiên, Phó chủ tịch Hội Luật gia Q.Gò Vấp, khẳng định: “Học văn hóa THPT không trở thành nội dung bắt buộc với người học như quy định của Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề trước đây”. Ngoài ra, điều khoản này cũng quy định rõ, đối với thời gian học theo tích lũy mô-đun, tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo, không phụ thuộc vào thời gian đào tạo. Về vấn đề này, hiệu trưởng một trường trung cấp nghề tại TP.HCM, băn khoăn: “Theo quy định, những học sinh tốt nghiệp THCS chỉ học nghề từ 1-2 năm thì có bằng trung cấp. Tuy nhiên, muốn học lên CĐ, ĐH thì phải học văn hóa. Vậy cơ quan nào sẽ cấp giấy chứng nhận văn hóa, chẵng lẽ trường nghề lại cấp giấy chứng nhận? Vì vậy, tôi nghĩ trong dự thảo của Luật GDNN phải ghi rõ thêm về việc học sinh muốn học thêm văn hóa thì do cơ quan nào cấp bằng?”.
Sự thay đổi về thời gian đào tạo cũng khiến các đại biểu băn khoăn về quy định miễn giảm học phí cho người học theo Luật GDNN. Chính sách đối với người học được thể hiện mạnh mẽ trong Luật GDNN, đây được coi là một trong những giải pháp thực hiện phân luồng hiệu quả. Theo đó, sẽ miễn học phí đối với mọi đối tượng chính sách xã hội, người tốt nghiệp THCS khi học trung cấp, đối với những nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu và những nghề đặc thù. Ngoài ra, người học còn được hưởng chính sách nội trú đối với người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật; người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; học sinh trường phổ thông trung học nội trú khi học trình độ trung cấp, CĐ. Ông Thái Kim Trọng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Nghề Nhân Đạo, cho rằng: “Học sinh học trung cấp từ 1-2 năm thì áp dụng miễn học phí theo niên chế không vấn đề gì, đào tạo theo mô-đun có thể kéo dài thời gian đào tạo, vậy nhà trường phải xử lý vấn đề học phí như thế nào? Ngày 1-7, luật có hiệu lực, những học sinh đang học nghề có tiếp tục thu học phí hay không, nhà trường sẽ trực tiếp miễn học phí cho học sinh và nhận ngân sách hay vẫn thu và học sinh sẽ được trả lại học phí sau?… Tôi nghĩ, Luật GDNN nên bổ sung cho rõ vấn đề này”.
Nhà nước có ban hành chương trình khung?
“Luật GDNN ra đời như “chạy lũ”, đáng lẽ phải thông qua các ban ngành, đại diện trường góp ý mới trình ra Quốc hội. Luật đã nêu ra, đáng lẽ luật pháp phải quyết định hành pháp nhưng hiện hành pháp lại quyết định luật pháp bởi luật đưa ra nhưng vẫn chưa xác định được cơ quan nào quản lý hệ thống này”, ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội GDNN TP.HCM, nói.
Luật GDNN có một số sửa đổi về chương trình và giáo trình đào tạo so với Luật Dạy nghề. Luật gia Dương Minh Kiên phân tích: “Trước đây, theo quy định của Luật Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH ban hành chương trình khung đối với từng nghề đào tạo trình độ trung cấp, CĐ. Trên cơ sở chương trình khung, các cơ sở dạy nghề ban hành chương trình dạy nghề chi tiết. Nhưng hiện nay, theo Luật GDNN, Nhà nước không ban hành chương trình khung mà giao cho các cơ sở GDNN tự chủ xây dựng chương trình đào tạo. Người đứng đầu cơ sở GDNN thành lập hội đồng thẩm định giáo trình, tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình; duyệt giáo trình để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức của cơ sở GDNN”.
Về vấn đề này, nhiều nhà quản lý trường trung cấp, CĐ tỏ ra quan ngại. “Nếu không ban hành chương trình khung, nhiều trường sẽ “chết ngắc”, đặc biệt là các trường đào tạo trung cấp và sơ cấp khó thực hiện được khi mà không có hướng dẫn. Hơn nữa, vấn đề các trường nghề quan tâm là chuẩn đầu ra, hiện có nhiều chuẩn nghề đã được các bộ ban hành nhưng vẫn là những bộ chuẩn chung chung. Trong khi đó, chuẩn đầu ra quyết định chương trình đào tạo, phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy. Hiện chúng ta vẫn đang rối rắm về chuẩn đầu ra, nhiều trường xây dựng khung chương trình đào tạo lên đến bậc ĐH nhưng chuẩn đầu ra lại không xác định rõ”, Phó hiệu trưởng một trường CĐ nghề chia sẻ.
Một đại biểu khác đồng tình: “Luật GDNN rất thoáng, không có chương trình khung mà các trường sẽ tự xây dựng. Tuy nhiên, Nhà nước nên ban hành chuẩn kỹ năng nghề rõ ràng hơn để các trường xây dựng chương trình”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Nhiều chính sách có lợi cho giáo viên dạy nghề
Luật gia Dương Minh Kiên cho biết: Theo quy định hiện hành, nhà giáo dạy nghề không có chức danh, không có thang bảng lương riêng; chính sách tôn vinh, đãi ngộ thiệt thòi… Khắc phục các bất cập đó, Luật GDNN quy định về các chức danh với nhà giáo trong cơ sở GDNN, quy định thang bảng lương gắn với chức danh; quy định rõ chính sách tôn vinh (nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú), kéo dài thời gian làm việc với những nhà giáo có trình độ, học hàm, học vị có tay nghề cao. Nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
 
 

Bình luận (0)