Sau 4 năm Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa được triển khai, nhiều DN vẫn chưa thể tiếp cận và thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ bởi tiêu chí đưa ra khó đáp ứng. Chẳng hạn DN muốn được vay vốn với lãi suất 2% thì phải đạt doanh thu tốt, không nợ xấu, không nợ quá hạn… Những bất cập này được nhiều DN nêu ra tại buổi họp khảo sát tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2018-2022 do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức.
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận rất khó tiếp cận những ưu đãi từ Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Trong ảnh: Một doanh nghiệp nhỏ giới thiệu sản phẩm tại hội chợ)
Chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi
Đây là thực trạng của nhiều DN nhỏ và vừa tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Tại quận 10, tính đến cuối tháng 6-2022 có 12.083 DN hoạt động trên địa bàn, trong đó trên 98% là DN nhỏ và vừa. Ông Nguyễn Huy Chiến – Phó Chủ tịch UBND quận 10 – cho biết, DN nhỏ và vừa bị hạn chế về tài sản thế chấp hoặc không có tài sản thế chấp nên chưa tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Theo bà Trần Diệu Canh – Tổng Giám đốc Công ty CPTM Cơ Khí Tân Thanh, khi đối thoại, các ngân hàng đều cởi mở, nêu ra chính sách thông thoáng nhưng chỉ nói trên hình thức. Việc hỗ trợ giảm lãi suất 2% khiến nhiều DN mừng và rất quan tâm nhưng hầu như chưa có ngân hàng nào cho vay. Hướng dẫn Nhà nước đưa ra đòi hỏi DN đạt doanh thu tốt, doanh thu cao nhưng nếu đạt được các tiêu chí này thì việc hỗ trợ lại không còn quan trọng.
Bà Lâm Thúy Ái – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SXTM Mebipha – cho rằng, yêu cầu DN không nợ xấu, không nợ quá hạn mới được vay vốn ưu đãi là rất khó. Tương tự việc giao ngân hàng tự đánh giá khả năng phục hồi của DN thì ngân hàng không dám làm nên cũng không dám cho vay.
“Vì những khó khăn này mà nhiều DN không còn mặn mà đi vay. Chúng tôi cần có hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận vốn vay. Nếu được nên kéo dài thời gian để DN có vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh, bởi trải qua đại dịch Covid-19, DN tồn tại đến hôm nay là cả quá trình khó khăn”, bà Ái tâm tư.
Theo nhiều DN, quyền được hưởng sự hỗ trợ từ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa rất nhiều nhưng đi kèm với đó là cơ chế xin – cho. Luật chưa phân công rõ cơ quan nào là đầu mối thực hiện quyền hỗ trợ cho DN, trong khi việc chi ngân sách hết sức phức tạp về thủ tục. Khoản chi nằm trong kế hoạch chi phải được HĐND TP thông qua.
Ông Nguyễn Đình Tuệ – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa – đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần đề ra các chính sách phù hợp, có khả năng áp dụng phổ biến trong việc khoanh nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ, giảm lãi suất tiền vay. Đồng thời cần có biện pháp thanh tra kiểm tra, áp dụng chế tài cần thiết trong quá trình thực thi chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Hộ kinh doanh ngại “lên” doanh nghiệp
Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được ban hành nhằm tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Luật tập trung vào hỗ trợ tiếp cận tín dụng; thuế, kế toán; công nghệ; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn pháp lý; chuyển đổi từ kinh doanh sang loại hình DN, khởi nghiệp sáng tạo; các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các quận/huyện, TP.Thủ Đức đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các DN phù hợp với các quy định tại luật, đặc biệt tích cực hỗ trợ DN sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn trong việc khó tiếp cận vốn vay ưu đãi của DN thì các quận/huyện cũng gặp khó khăn trong vận động, hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết, cách đây 20 năm, công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã có trào lưu rất mạnh. Giống như chiến lược của Đài Loan trở thành nước phát triển chủ yếu bởi DN nhỏ và vừa, Chính phủ Việt Nam thực hiện hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa đã xác định không chỉ giải quyết công ăn việc làm, lao động mà còn là sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, những chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa cần phải cụ thể và phải xem lại đã làm đầy đủ trách nhiệm chưa, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19… |
Đơn cử như TP.Thủ Đức, tính đến cuối tháng 6-2022 có 46.600 DN đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 675.390 tỷ đồng. Trong đó, DN nhỏ và vừa chiếm trên 95%, lĩnh vực hoạt động chủ yếu dịch vụ – thương mại, sản xuất nhỏ lẻ. Trong giai đoạn 2018-2020, Thủ Đức chỉ vận động được 1.407 hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức DN, đa số là các hộ kinh doanh nộp thuế trên 100 triệu đồng/năm, thường xuyên sử dụng hóa đơn, sử dụng từ 10 lao động trở lên…
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Thủ Đức, đa số các hộ kinh doanh chưa quan tâm nhiều đến việc chuyển đổi sang hình thức DN. Bởi chủ hộ kinh doanh quen với việc kinh doanh theo loại hình hộ kinh doanh, chưa có nhu cầu xuất hóa đơn hoặc phát triển quy mô hoạt động.
Tại quận 5, từ năm 2018 đến cuối năm 2021, toàn quận chỉ có gần 300 hộ kinh doanh chuyển sang loại hình DN. Bà Nguyễn Thị Minh Phượng – Phó Chủ tịch UBND quận 5 – cho biết, công tác vận động hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN còn gặp nhiều khó khăn; do họ chưa thực sự có nhu cầu, chưa đủ thực lực tay nghề, kỹ năng quản trị, hiểu biết về chính sách, pháp luật. Hơn nữa, khi hoạt động, DN sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính hơn so với hộ kinh doanh, như thực hiện chế độ BHYT, BHXH, kê khai sử dụng lao động, kê khai và lập sổ sách kế toán, tổ chức thêm nhân sự kế toán… làm chi phí hoạt động tăng thêm.
Bà Vương Thanh Liễu – Phó Chủ tịch UBND quận 6 – cũng cho biết: “Dù Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã quy định tương đối toàn diện chính sách hỗ trợ nhưng thực tế vẫn chưa đủ hấp dẫn các hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình DN. Việc chuyển đổi gần như không thay đổi quy mô, hiệu quả kinh doanh nhưng lại bị ràng buộc bởi nhiều quy định về thuế, chế độ kế toán, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính. Thậm chí, nếu chuyển sang loại hình DN có thể bị xử lý vi phạm hành chính cao gấp 2 lần so với hộ kinh doanh, khiến họ không muốn chuyển”.
Từ những lý do này mà từ năm 2018 đến nay, quận 6 chỉ vận động chuyển đổi được 600 hộ kinh doanh lên DN…
Minh Phương
Bình luận (0)