Niềm vui ngày 20-11 năm nay đối với các thầy cô giáo dường như được nhân đôi khi tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đang thảo luận sôi nổi về dự án Luật Nhà giáo. Theo đó, với Luật Nhà giáo, nghề giáo đang dần lấy lại vị thế là nghề cao quý nhất…
1.Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 50 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của giáo viên; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.
Riêng về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
2.Tôi còn nhớ, cuối năm 2006, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đương thời đã nói: “Đến năm 2010, giáo viên sống được bằng lương”. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay đã sắp hết năm 2024 thì vẫn còn rất nhiều giáo viên không thể sống được bằng lương.
“Đói thì đầu gối phải bò”, vì lương không đủ sống nên nhiều giáo viên đã xoay xở đủ kiểu để có tiền. Và dạy thêm là cách xoay xở được nhiều giáo viên áp dụng nhất mặc dù điều này hoàn toàn trái với Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT (ban hành quy định về dạy thêm, học thêm).
Trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi đã phải đi học thêm. Học sinh lớp 1, lớp 2, ngày học 2 buổi ở trường, buổi tối còn không phải giao bài tập về nhà nhưng vẫn phải đi học thêm. Các em học thêm không phải vì nhu cầu của bản thân hay nhu cầu của phụ huynh mà là… “nhu cầu”, là gợi ý của giáo viên.
Học sinh càng học lên cao thì tần suất học thêm càng dày đặc. Không đi học thêm thì sợ không theo kịp bạn bè vì ở trường thầy, cô không dạy; thầy cô “ém lại” để dạy thêm. Chưa kể, có không ít giáo viên còn “đì” học sinh chỉ vì “cái tội” không đi học thêm.
Không chỉ học sinh ở thành thị mà học sinh ở nông thôn cũng phải đi học thêm.
Chưa dừng lại ở đó, không ít giáo viên còn “tăng thu nhập” bằng những gợi ý thiếu tế nhị đối với phụ huynh vào các dịp 8-3, 20-10, Trung thu, Tết. Thậm chí có giáo viên còn nhân danh xã hội hóa giáo dục để kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền mua thiết bị phục vụ hoạt động dạy học…
Tất nhiên “đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ tiếc là “sâu” không hề ít. Điều này đã khiến cho xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm về nghề giáo.
Tại buổi thảo luận tổ, góp ý cho Luật Nhà giáo, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) nhấn mạnh, tinh thần tôn sư trọng đạo là nền tảng lâu đời trong xã hội chúng ta. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, ngành giáo dục cũng gặp những khó khăn và tinh thần này đã vơi đi phần nào.
3.Để nghề giáo thật sự là nghề cao quý nhất, để giáo viên lấy lại được vị thế của người thầy, được xã hội tôn trọng hơn; nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên cần phải sống được bằng lương. Bởi, có thực mới vực được đạo.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần có thêm những chính sách thu hút sinh viên ngành sư phạm, cũng như các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giáo viên gắn bó với nghề, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó có thêm chính sách lương đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài vào ngành giáo dục.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng, chính sách tiền lương cho nhà giáo đã có trước đây, tuy nhiên lần này thì được luật hóa. Điều này thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”, “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình việc xếp lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Có thể nói, khi Luật Nhà giáo được thông qua thì nghề giáo sẽ là nghề có mức lương “khủng nhất”. Vấn đề ở đây là, ngoài Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư pham TP.HCM có điểm đầu vào cao thì phần lớn các trường sư phạm có điểm đâu vào khá là khiêm tốn, cá biệt có trường điểm rất thấp. Điểm đầu vào thấp như vậy mà lương lại cao nhất liệu có công bằng với các ngành khác không.
Chính vì vậy, để bản thân xứng đáng nhận mức lương được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp cùng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp; mỗi thầy, cô giáo hãy hành động cho đúng với vai trò, vị thế của mình.
Về chuyên môn, không phải chỉ cần tốt nghiệp đại học sư phạm là đủ mà cần phải học nâng cao lên thạc sĩ, tiến sĩ (tùy từng bậc dạy); đồng thời phải tự học mỗi ngày. Càng ở cấp cao thì thầy càng phải học nhiều, vì đã là thầy thì nhất định phải giỏi hơn trò.
Về đạo đức, lối sống, người thầy phải nói năng, hành xử sao cho chuẩn mực; phải làm sao để học sinh kính nhưng không sợ…
Một nhà giáo đã nói với tôi rằng: “Nếu muốn giàu, không ai chọn nghề giáo”. Vậy nên, mong rằng với Luật Nhà giáo, các thầy cô giáo sẽ sống và làm việc đúng với vị thế của người thầy…
Kim Anh
Bình luận (0)