Sáng 24/12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an thông tin tới cơ quan báo chí về một số điểm mới về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (gọi tắt là Luật), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Được đảm bảo quyền lợi
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có nhiều điểm mới như việc đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc.
Trung tá Hoàng Văn Hiều – Phó Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, việc người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được đưa vào Luật đã có sự nghiên cứu rất kỹ và hết sức cân nhắc nhằm đảm bảo quyền trẻ em.
Cụ thể, trong Luật quy định rất rõ, đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với nhóm tuổi này không phải là biện pháp xử lý hành chính nên không ảnh hưởng đến lý lịch tư pháp. Do đó sẽ đảm bảo quyền lợi cho các em khi thực hiện biện pháp cai nghiện tại các cơ sở như được vui chơi, học hành…
“Các cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí chỗ dành riêng cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, đảm bảo cho các em không bị ảnh hưởng, tác động của những người nghiện ma túy trên 18 tuổi” – thiếu tá Hiều thông tin.
Trung tá Hoàng Văn Hiều.
Theo trung tá Hiều, thời gian cai nghiện bắt buộc đối với nhóm tuổi này là từ 6 – 12 tháng. Thẩm quyền do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định. Nếu tái nghiện, thì không đưa đi cai nghiện bắt buộc mà được đăng ký cai nghiện tự nguyện.
Đối với các trường hợp sử dụng trái phép chất ma tuý bị quản lý tại nhà 1 năm kể từ lần đầu tiên phát hiện chất ma túy trong cơ thể, còn bị xử phạt hành chính từ 500 nghìn – 1 triệu đồng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện – Cục trưởng C04 cho biết, theo thống kê của Bộ Công an, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 2017 phát hiện hơn 128.000 người, năm 2018 phát hiện hơn 135.000 người và năm 2019 là hơn 143.000 người sử dụng trái phép chất ma túy.
Riêng năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương áp dụng giãn cách, các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn không hoạt động nên số lượng người sử dụng ma túy mới bị phát hiện tăng không đáng kể.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, thống kê trên cả nước có gần 1.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh (nhập khẩu, xuất khẩu) tiền chất công nghiệp, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc. Số lượng nhập khẩu hằng năm tăng khoảng 10% so với năm trước.
Trong đó, năm 2021, số lượng nhập khẩu tiền chất công nghiệp khoảng 640.000 tấn, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc khoảng 15 tấn.
Do đó, Luật đã bổ sung hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Theo Thanh Hà/TPO
Bình luận (0)