Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Luật sư “chạy án”

Tạp Chí Giáo Dục

Bị cáo Tiến luôn kêu oan tại tòa
Đứng trước vành móng ngựa là người đàn ông đã trạc ngoài 40 tuổi, mặc chiếc áo thun kết hợp với quần tây đen cùng đôi giày đinh nhìn hết sức lịch thiệp. Từ cách ăn mặc đến cách giao tiếp với HĐXX tại tòa có nhiều điểm khác biệt so với các bị cáo mà tôi đã từng gặp trước đó.
“Chạy án”…
Giống như phiên tòa xét xử sơ thẩm, ở phiên tòa phúc thẩm phần đầu tiên là HĐXX xét hỏi về lí lịch, nhân thân, tội danh của bị cáo. Được biết, người đứng trước vành móng ngựa và bị đưa ra xét xử là Lương Anh Tiến (SN 1967, ngụ quận 8, TP.HCM) nguyên là luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Năm 2010, nhờ có mối quen biết mà bị cáo đã nhận làm luật sư bào chữa trong vụ án Trương Công Dũng cùng đồng phạm phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong vụ án này có ông Nguyễn Minh Tuấn (nguyên là Giám đốc Công ty Lộc Bình Phú) bị cơ quan điều tra khởi tố về 2 tội danh trên. Bị cáo Tiến thỏa thuận với gia đình ông Tuấn để bào chữa với chi phí 100 triệu đồng nhưng không kí hợp đồng giao dịch bào chữa. Mặc dù, biết thân chủ phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng với các tài liệu chứng cứ rõ ràng do cơ quan điều tra thu thập được nhưng bị cáo vẫn đến nhà ông Tuấn nhiều lần để nói về việc đưa tiền lo “chạy án”. Đồng thời, để lấy niềm tin từ gia đình ông Tuấn bị cáo hứa sẽ bào chữa để ông Tuấn được tại ngoại, được bỏ tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thậm chí được tuyên trắng án hoặc bằng thời gian tạm giam, được trả tự do ngay tại tòa. Chính vì vậy gia đình ông Tuấn đã đưa cho bị cáo 1,8 tỷ đồng để lo việc “chạy án”. Tuy nhiên, khi phiên tòa kết thúc thì ông Nguyễn Minh Tuấn vẫn bị tuyên 11 năm tù với cả 2 tội danh trên. Bức xúc vì bị bị cáo Tiến lừa do không thực hiện được lời hứa trước đó nên gia đình ông Tuấn đã làm đơn tố cáo với cơ quan điều tra.
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Tiến tỏ ra khá điềm tĩnh và luôn dứt khoát trong mọi câu hỏi của HĐXX. Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề và đã từng ngồi ở hàng ghế luật sư để bảo vệ quyền lợi cho nhiều người thì trong phiên xử này, bị cáo được bảo vệ quyền lợi của chính mình. Đây là vụ án đã đưa ra xét xử 2 lần trước đó và bị cáo Tiến bị tuyên án trong phiên tòa sơ thẩm là 16 năm tù nhưng cho rằng mình bị oan do không nhận từ gia đình ông Tuấn số tiền 1,8 tỷ đồng nên đã kháng cáo lên TAND tối cao TP.HCM.
Một mực kêu oan
Trong phiên xét xử phúc thẩm của TAND tối cao HĐXX phải làm việc hết sức thận trọng, căng thẳng và phải quyết đoán. Kết thúc phần xét hỏi chuyển sang phần tranh luận vị đại diện VKS thực hiện quyền công tố tại phiên tòa vẫn khẳng định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Tiến và tuyên y án sơ thẩm. Tuy nhiên, bằng những lời lẽ đanh thép đầy sức thuyết phục bị cáo Tiến đã tự bào chữa cho mình và vẫn khẳng định không nhận số tiền 1,8 tỷ đồng của gia đình ông Tuấn. VKS nói: “Các lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra đã chứng tỏ tội danh?”. Bị cáo Tiến cho rằng: “Do bị cáo bị ép cung và cán bộ điều tra hứa kí vào biên bản thì sẽ được tại ngoại?”. Câu trả lời này của bị cáo Tiến đã khiến cho HĐXX và nhiều người dự khán hết sức ngạc nhiên bởi bị cáo đã từng là luật sư có nhiều năm kinh nghiệm thì làm sao có thể dễ dàng kí vào một biên bản quy kết tội khi bản thân không có tội.
Với nhiều bị cáo, khi đứng trước vành móng ngựa thì tỏ vẻ sợ hãi, lo lắng nhưng đối với bị cáo Tiến mọi hành động đều khá bình thường và có vẻ “kì khôi”. Bị cáo luôn chắp tay trước ngực để trả lời câu hỏi của HĐXX, có khi đáp ánh nhìn lơ đãng ra phía ngoài cửa, có khi ngoái lại phía sau một cách e thẹn… Đặc biệt, khi được nói lời nói sau cùng bị cáo Tiến không xin giảm án hay xin lỗi gia đình bị hại như nhiều bị cáo đã làm mà Tiến vẫn một mực kêu oan vì cho rằng mình không phạm tội. Kết thúc phiên tòa do có nhiều lời khai bất nhất giữa gia đình bị hại, bị cáo và những người liên quan nên HĐXX quyết định hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ để điều tra lại. Trước khi bị cáo bị đưa lên xe đặc chủng để trở lại trại giam Tiến vẫn cố ngước lại phía sau với đôi mắt ướt đỏ và nói với chị gái mình: “Chị ơi! Em nhớ hai đứa nhỏ quá, chị nhớ cho vào thăm em nhá…”.
Bài, ảnh: Quế Thái
Luật sư là người hướng dẫn pháp luật cho người dân nhưng trong thời gian gần đây có nhiều vụ án luật sư lại là người phạm tội đã gây nên nhiều hoang mang trong dư luận. Mới đây, luật sư Phạm Thị Ái Liên (SN 1976, ngụ TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) bị VKSND tỉnh Đồng Tháp truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
 

Bình luận (0)