Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Luật sư khó sống bằng nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 10-10 tại Hà Nội, Hội thảo sửa đổi, bổ sung Luật LS năm 2006 – những vấn đề lý luận và thực tiễn do Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Chương trình đối tác tư pháp tổ chức đã chính thức diễn ra. Năm năm sau khi ra đời, bên cạnh những quy định “thoáng” của Luật, việc hành nghề LS vẫn đang gặp nhiều khó khăn, từ khâu tập sự đến hoạt động bào chữa tại phiên tòa, cũng như tư vấn pháp lý…


Luật sư nhiều nơi chưa sống được bằng nghề  

 Phải qua đào tạo mới được hành nghề
Theo quy định hiện nay, đối tượng được miễn đào tạo, miễn thời gian tập sự mở rộng hơn trước dẫn đến thực trạng quá nhiều người có thể trở thành LS nhưng chất lượng lại không đảm bảo. Những người này thường rất lúng túng khi hành nghề cũng như trong việc tuân thủ các chuẩn mực chung của LS.
LS Nguyễn Thế Phong (Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn LS Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An) cho rằng, qui định về miễn đào tạo nghiệp vụ, miễn tập sự (với điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm phán), thời gian tập sự chỉ còn 18 tháng và không cho phép người tập sự được tham gia tố tụng ở bất kỳ cấp tòa nào, đã dẫn đến hệ lụy là chất lượng tập sự hành nghề LS bị giảm nhiều so với trước đây.
Tình trạng “đánh trống, ghi tên” của các LS tập sự cũng khiến họ bị hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, kỹ năng quan hệ với khách hàng, kỹ năng tiếp nhận và triển khai công việc, ý thức và ứng xử nghề nghiệp. Bên cạnh đó, theo luật người tập sự hành nghề LS lại không được phép hành nghề mà chỉ “chạy việc vặt” cho LS hướng dẫn, hay nhìn LS chính “bơi”, nên sau 18 tháng tập sự, vượt qua kỳ thi sát hạch thành LS thì hành nghề chẳng khác gì “gà đội nón”.
Một số đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động tập sự, cần quay trở lại chế định LS tập sự như tinh thần Pháp lệnh LS năm 2001- đó là cho phép LS tập sự được tham gia tố tụng tại TAND cấp huyện.
Với những người miễn đào tạo nghề LS, khi tham gia hành nghề cũng có hạn chế rất lớn. Vì họ có thể giỏi chuyên môn nhưng lại không có kỹ năng hành nghề LS. Như điều tra viên tham gia các vụ án hình sự là chính, nên khi tham gia các vụ án dân sự lại rất mới mẻ. Có những thẩm phán ra tòa vẫn quen đọc mấy trang cáo trạng.
Chất lượng chưa đi đôi với số lượng
Kể từ khi Luật LS có hiệu lực, đội ngũ LS nhanh chóng được phát triển . Từ chỗ chỉ vài trăm LS, hoạt động nhỏ lẻ, đến nay, theo thống kê của Liên đoàn LS Việt Nam, đội ngũ LS đã có đến 9.700 LS, trong đó có 6.700 LS chính thức và khoảng 3.000 người tập sự hành nghề LS. Riêng TP.HCM có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với mức 380% về số lượng LS và 316% về số tổ chức hành nghề LS.
Điều đáng nói là số lượng LS phát triển nhanh nhưng lại chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của thị trường dịch vụ pháp lý trong nước. Dù bước đầu một số tổ chức và LS đã trở thành “đối tác” cạnh tranh với các tổ chức hành nghề LS nước ngoài, nhưng nhìn chung, hầu như đội ngũ LS nước ta chưa “đủ tầm” để tham gia các vụ việc pháp lý quốc tế.
LS.Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi LS – Liên đoàn LS Việt Nam nhận thấy, chất lượng chuyên môn và kỹ năng hành nghề của một số LS, nhất là những LS trẻ còn hạn chế, chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp, còn nặng về dịch vụ khiến hình ảnh của LS bị “nhạt nhòa” trong cái nhìn của xã hội đối với nghề đặc thù này.
Mặc dù Luật LS đã tạo điều kiện cho LS “rộng đường” phát triển nhưng lại chưa “giải quyết được bài toán về chiến lược và chính sách phát triển nghề LS ở Việt Nam” trước tình trạng hoạt động LS không được phân bố đồng đều, chỉ tập trung hành nghề ở các TP lớn.
Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đình Thơ cho biết, từ năm 2007 đến nay có 25 người đăng ký tập sự tại Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, nhưng sau khi hết tập sự thì phần lớn lại gia nhập Đoàn LS TP.HCM. Trong khi đó, những địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa, người dân cần sự trợ giúp của LS thì số lượng LS lại quá ít.
Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc điểm hoạt động nghề LS là độc lập, tự quản, tự chịu trách nhiệm nên dẫn đến thực trạng tổ chức còn phân tán và tự mưu sinh. Đa số các tổ chức hành nghề LS còn khiêm tốn, hoạt động nhỏ lẻ, ít tính liên kết và nhiều LS không sống được bằng nghề.
Có đến 50% LS của Đoàn LS tỉnh Long An không sống bằng nghề, LS tại tỉnh Bến Tre còn rất nghèo nếu không có nguồn thu khác bù vào…Thậm chí có văn phòng LS ở ngay TP.Hà Nội nhưng không có đủ tiền để đóng phí thành viên Đoàn LS và Liên đoàn LS hằng năm, không nói đến việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động.
Đây chính là “bài toán” mà Liên đoàn Luật sư cần nhanh chóng có lời giải để đội ngũ những người hành nghề LS ở Việt Nam có thể “rộng đường” hoạt động cũng như vững vàng hơn khi hội nhập quốc tế.
Theo HƯƠNG NGUYÊN
(NDĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)