Giấy báo thi ghi không rõ ràng, lỗi do bên tổ chức thi. Cần làm rõ trách nhiệm người có liên quan. Bộ GD-ĐT nên tổ chức cho thi lại. Đây là ý kiến của một số luật sư về sai sót trong giấy báo dự thi của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Giấy báo thi của thí sinh
|
PGS.TS. Luật sư Phạm Hồng Hải – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội: Truy cứu trách nhiệm bên tổ chức thi
Giấy báo thi có giá trị pháp lý như là ý chí của người tổ chức thi, thí sinh muốn đảm bảo quyền lợi của mình thì phải nghiêm túc thực hiện.
Nhưng ý chí ở đây không rõ ràng, dẫn đến thí sinh hiểu sai, có thể quy trách nhiệm là hành vi vi phạm hành chính.
Tội ở đây là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng không thể nói lý do là lỗi đánh máy.
Bên tổ chức thi sẽ phải ngồi lại kiểm điểm lẫn nhau, quy trách nhiệm xem sai là do cá nhân nào sẽ phải chịu xử lý hành chính, thậm chí, nếu gây hậu quả nghiêm trọng – ví dụ nhiều người không được thi – phải bị xử lý hình sự. Vì thí sinh không được thi đương nhiên là bị trượt.
Trong trường hợp này, ngày 3/7 là ngày tập trung. Nhưng đến sớm ngày 4/7, thí sinh mới làm thủ tục dự thi, thì trách nhiệm của bên tổ chức thi là giải thích rõ ràng cho thí sinh hiểu quy trình.
TS. Luật sư Trần Đình Triển – Đoàn Luật sư Hà Nội: Nên cho thi lại
Giấy báo dự thi có giá trị pháp lý nên thí sinh có quyền tin tưởng vào tờ giấy đó. Nếu giấy báo thi có thiếu sót thì rõ ràng trách nhiệm thuộc về cơ quan gửi giấy báo.
Có thể, nhiều thí sinh mải "học gạo", tin vào giấy báo nên tiết kiệm từng thời gian để học tập, do đó, bỏ qua những khâu khác.
Như trường hợp thí sinh Trần Nguyên Hưng đã không đến tập trung vào ngày 3/7 mà mùng 4/7 mới đến làm thủ tục dự thi. Tuy nhiên, quy chế của Bộ GD-ĐT vẫn cho phép điều này.
Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Bộ GD-ĐT có thể đặc cách, tổ chức cho họ thi riêng vì lỗi khách quan.
Từ đây, bên tổ chức thi cũng cần phải xem xét trách nhiệm cụ thể; xác minh, điều tra tìm người gây ra sai sót này để có hình thức kỷ luật, nhẹ cũng là xử phạt hành chính, nặng hoặc cố ý thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: không nên đổ hết lỗi cho trường
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – cho rằng, để có sơ suất này cũng có lỗi của thí sinh. Vì theo lịch thi, mỗi đợt thí sinh đều có 1 ngày để làm thủ tục dự thi và sửa sai (nếu có).
Thi ĐH đợt 1 thí sinh có mặt ngày 3/7 để nghe nhà trường phổ biến quy chế, lịch thi chi tiết và những điều thí sinh được và không được mang vào phòng thi.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã làm đúng quy định, lịch thi và những lưu ý của quy chế đã được nhà trường niêm yết tại nhiều khu vực trong trường.
Đồng thời, sau mỗi buổi thi, giám thị đều có nhắc giờ thi các môn tiếp theo, nên không thể đổ hết lỗi cho nhà trường. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu nhà trường xác minh, rút kinh nghiệm để có xử lý cụ thể.
Cô Nguyễn Thị Hà – Giảng viên HV Hành chính Quốc gia: do thí sinh bàng quan
Văn bản có một chút sơ suất chứ không sai. Việc đổ lỗi cho giấy báo thi là không nên.
Lịch thi, mặc nhiên bao nhiêu năm nay là thí sinh có một buổi làm thủ tục dự thi, sau đó thi một ngày rưỡi liên tục, không có chuyện nghỉ một buổi sáng rồi mới thi tiếp vào chiều ngày thi thứ 2.
Thí sinh bị lỡ thi này cũng quá bàng quan, không chú ý đến các thông tin xung quanh như báo, đài, ti vi, mạng Internet, bạn bè…
Cô Hà cho biết: thông thường, cuối mỗi buổi thi, cán bộ coi thi thường nhắc nhở, dặn dò các em về giờ giấc của của môn thi tiếp theo.
Tại hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đợt 1, buổi thi thứ 2 (5/7), sau khi thi được 2/3 thời gian, thí sinh Trần Nguyên Hưng, số báo danh MSBD HUIA 08174 (Bình Thuận) mới đến trường thi. Hưng bị muộn thi môn Hóa học.
Được biết, nguyên nhân là do giấy báo dự thi của thí sinh này không rõ ràng, khiến em hiểu nhầm là thi môn Hoá vào buổi chiều ngày 5/7.
Cụ thể, lịch thi trong giấy báo có ghi:
Sáng ngày: 04/07/2009 thi Toán
Chiều ngày: 04/07/2009 thi Lý
05/07/2009 thi Hóa.
Do cách thức ghi như trên, thí sinh này đã hiểu nhầm là chiều ngày 5/7 mới thi Hoá. Đây không phải trường hợp duy nhất nhận giấy báo thi bị thiếu sót như trên.
|
Nhóm phóng viên Vietnamnet
Bình luận (0)