Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Luật Thực hiện dân chủ cơ sở vào trường học: Nhà trường công khai, phụ huynh đồng hành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Công khai, thẳng thắn, lắng nghe… khi triển khai Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đã giúp nhiều nhà trường tại TP.HCM có được sự đồng thuận cao của phụ huynh. Nhiều nhà trường đã thực sự “thay da đổi thịt” khi được phụ huynh thấu hiểu, chia sẻ khó khăn.


Trường THPT Trần Quang Khải thực hiện các nội dung công khai tại phòng hội đồng

Cơ sở vật chất “thay da đổi thịt”

Đầu năm học này, Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 công trình lớn phục vụ việc dạy và học cũng như các hoạt động giáo dục trong nhà trường, đó là công trình mái che sân trường và công trình lắp đặt 20 ti vi 55 inch, máy tính kết nối internet cho 20 lớp học khối 10. Thầy Nguyễn Tấn Tài (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải) phấn khởi gọi đây là 2 công trình “lịch sử” khi tác động mạnh mẽ đến hiệu quả đổi mới giáo dục của nhà trường. Cơ sở vật chất khang trang đã tạo điều kiện để đội ngũ được “nhẹ nhàng” hơn khi đổi mới, học sinh say mê hơn trong học tập. Chỉ trong thời gian ngắn, 2 công trình trên nhanh chóng được hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay đầu năm học khi nhận được sự đồng hành, chia sẻ tích cực của phụ huynh, học sinh toàn trường. Để có được sự đồng hành này, theo thầy Tài, công tác dân chủ, công khai khi thực hiện phải được nhà trường phát huy tối đa. Trong đó, học sinh là đối tượng thụ hưởng, phụ huynh phải nắm được công trình đó phục vụ lợi ích chính đáng của con em mình khi học tập, sinh hoạt tại trường. Thực tế, do không có mái che sân trường, những giờ học thể dục hoặc các hoạt động sinh hoạt đầu tuần hay bị gián đoạn, có khi không thực hiện được do phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Bên cạnh đó, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trang thiết bị như ti vi, máy tính và mạng internet sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thầy cô và học sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì rất khó mà cần đến sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ khó khăn của phụ huynh. “Đầu tháng 8, họp hội đồng sư phạm, nhà trường xác định nhu cầu trong tổ chuyên môn khi thực hiện đổi mới, từ đó lấy ý kiến đồng thuận trong hội đồng về 2 công trình. Sau đó, nhà trường họp phụ huynh, công khai lấy ý kiến 2 công trình. Khi được phụ huynh đồng ý, nhà trường xin chủ trương của Sở GD-ĐT TP.HCM, thông báo trong đại hội cha mẹ học sinh toàn trường. Toàn bộ quá trình vận động, thực hiện đều được nhà trường công khai rộng rãi ở bảng tin, trên website trường và đến từng phụ huynh. Phụ huynh trực tiếp đứng ra thực hiện, nhà trường chỉ đóng vai trò giám sát”, thầy Tài thông tin.

Những tín hiệu vui trên, thầy Tài đánh giá là hiệu quả bước đầu của việc áp dụng Luật Thực hiện dân chủ cơ sở bắt đầu từ năm học này. Thầy Tài phân tích, trước đó nhà trường luôn gặp khó trong vận động tài trợ các công trình giáo dục do thiếu sự đồng hành, thấu hiểu của phụ huynh và cả đội ngũ. Luôn có sự hoài nghi khi Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch vận động liệu có mục đích tư lợi gì không. “Khi Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đi vào trường học, nhà trường đã phổ biến đến toàn thể đội ngũ và căn cứ đúng theo hướng dẫn của luật để triển khai các văn bản, thông tin, chương trình giáo dục của nhà trường đến đội ngũ, phụ huynh, học sinh toàn trường. Chính vì thế, khi ban hành kế hoạch vận động tài trợ 2 công trình lớn phục vụ việc dạy và học cùng các hoạt động giáo dục của nhà trường, với những ý kiến thắc mắc của phụ huynh thì nhà trường đều công khai các văn bản, giải thích thêm để phụ huynh hiểu rằng việc vận động không cào bằng, không “đổ đồng” mà được thực hiện theo hình thức tự nguyện. Phụ huynh được giám sát suốt quá trình thực hiện”, thầy Tài chia sẻ.

Phụ huynh đồng hành, thấu hiểu

Thời điểm này, Trường THPT Dương Văn Thì (TP. Thủ Đức) đang gấp rút khởi công công trình mái che sân trường, nhằm kịp đưa vào sử dụng trong học kỳ II, giúp thầy trò không còn phải lo nắng, mưa khi học giáo dục thể chất, sinh hoạt đầu tuần. Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc (Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì) vui vẻ cho biết, công trình có sự góp sức của phụ huynh, được nhà trường mạnh dạn thực hiện trong năm học này khi Luật Thực hiện dân chủ cơ sở chính thức có hiệu lực. Cô Trúc chia sẻ, suốt 5 năm nay, công trình nhà thi đấu thể dục thể thao tại trường vẫn chưa thể khởi công. Các giờ học thể dục, quốc phòng diễn ra dưới sân trường, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, gây không ít khó khăn, bất tiện cho thầy và trò. Đầu năm học này, nhà trường đã xây dựng kế hoạch vận động tài trợ công trình mái che bằng bạt tại khu vực sân chơi, khu vực sân sau sát hàng rào và khu vực sân sau, với tổng kinh phí trên 354 triệu đồng, nhằm hỗ trợ việc dạy và học của nhà trường. Kế hoạch vận động đã được Sở GD-ĐT TP.HCM phê duyệt. “Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đi vào trường học đã giúp nhà trường thuận lợi hơn rất nhiều khi triển khai các kế hoạch, hoạt động giáo dục. Đối với công trình vận động tài trợ mái che sân trường, nhà trường chia công trình thành 3 hạng mục và thực hiện vận động từng hạng mục theo thứ tự ưu tiên. Trước hết là khu vực sân chơi. Kế hoạch vận động được nhà trường thông tin đầy đủ đến phụ huynh, học sinh toàn trường. Việc vận động không cào bằng, không chỉ dừng ở phụ huynh mà còn từ giáo viên, mạnh thường quân, đối tác, thậm chí cả học sinh tham gia”, cô Trúc cho biết.


Mái che sân trường đã mở ra không gian sạch, đẹp cho học sinh vui chơi

Khẳng định chính sự chung tay, góp sức của phụ huynh sẽ giúp nhà trường “thay da đổi thịt”, giúp thầy cô thuận lợi hơn khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, hỗ trợ hiệu quả đổi mới giáo dục, cô Trúc nhìn nhận, để phụ huynh tin tưởng, đồng hành, chung tay thì điều quan trọng nhất đó là sự công khai, minh bạch trong thu chi, đặc biệt là mọi sự vận động đều xuất phát từ nhu cầu giáo dục học sinh chính đáng, đối tượng thụ hưởng không ai khác là học sinh.

Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh), trong đổi mới giáo dục hiện nay, sự chung tay đồng hành của phụ huynh chính là cánh tay nối dài để nhà trường dễ dàng đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh. “Luật Thực hiện dân chủ cơ sở từ năm học này đã trở thành cơ sở pháp lý để nhà trường thực hiện các nội dung công khai, xin ý kiến một cách bài bản về các hoạt động giáo dục, từ đó sẽ có sự đồng thuận lớn của phụ huynh, chung tay cùng nhà trường xây dựng môi trường giáo dục”, thầy Tuấn nói.n

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)