Còn có các tên gọi khác như rau mác, bèo tây (do người Pháp du nhập vào nước ta từ năm 1905 dùng để khử ô nhiễm môi trường và sản xuất khí sinh vật – trung bình 1ha lục bình sản xuất 70.000 m3 khí sinh vật – chiếm 69% là khí metan).
Lục bình thuộc họ cây đơn tử diệp, sống lâu năm, phát triển bằng chồi, thân và hạt. Lục bình sinh sản cực nhanh, chỉ cần 60-90 ngày một cây sẽ sinh ra 250.000 cây con. Hoa lục bình gây cản trở giao thông thủy; còn thân, lá hút nước rất nhiều nên làm cạn kiệt ao hồ nhanh. Lục bình có rất nhiều ở miền Tây và miền Đông, gồm 2 loại: cọng to, cao 45cm, loại cọng nhỏ, thấp sát mặt nước, cao 12cm. Nở rộ hoa màu tím nhạt vào tháng 3-4 âm lịch.
Đọt non, tước ra làm dưa chua hoặc luộc chấm mắm ăn rất ngon. Có thể ăn với mắm sống kèm đọt lụa, sầu đâu và bông điên điển. Trong thân, lá lục bình có hàm lượng NPK với tỷ lệ 16-60-38 nên người chăn nuôi thường trộn với so đũa, cám làm thức ăn nuôi heo, gà, vịt. Trâu, bò cũng thích nhai lục bình. Rễ lục bình là chất phụ gia của nhà vườn các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang ủ làm phân bón cây, ốp gốc cây hoa và ốp vào nhánh già khi chiết cành. Một đặc điểm khác của lục bình là dùng thân phơi khô, kéo thành sợi ướp với keo dính, dệt thảm, giỏ xách và ghế thay mây, tre.
Về mặt y dược, các nhà nghiên cứu châu Âu phát hiện ra điều kỳ lạ, rễ lục bình giúp dưỡng khí dồi dào cho ấu trùng muỗi sống trong nước lớn nhanh, nên mật độ sinh sản tăng trưởng cao, đáng quan ngại cho sức khỏe con người. Thế nhưng lá, hoa, thân và quả của lục bình lại là vị thuốc hiệu quả cao đối với người loãng xương và trẻ gầy còm. Lá lục bình hút thán khí với tỷ lệ cao giúp làm sạch môi trường. Thân cây lục bình dùng ăn sống, là vị thuốc trị giun, sán ở đường ruột trẻ em và người cao tuổi, hiệu quả không thua kém hạt bí ngô và lá sầu đâu”.
Lương y Dương Tấn Hưng /TNO
Bình luận (0)