Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lực lượng nhà giáo quyết định thành công của đổi mới giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Trong công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục – đào tạo thì yếu tố có tính chất nền tảng, then chốt, thậm chí quyết định chất lượng cũng như sự thành công chính là lực lượng nhà giáo.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 26-4. Ảnh: Mê Tâm

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định điều này tại buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 26-4. Theo Bộ trưởng, trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, khối sư phạm có vai trò hết sức quan trọng. Cho nên việc quan tâm, đầu tư, định hướng chỉ đạo đối với hệ thống các trường sư phạm sẽ được Bộ đặc biệt quan tâm. Bộ sẽ tìm hiểu sâu thêm về các điều kiện, nguồn lực, tình hình mà quan trọng nhất là nắm sâu về đội ngũ.

Tập trung các nghiên cứu về khoa học và công nghệ giáo dục

Bộ trưởng cho biết, vài tuần nữa Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2045; thời điểm này, Bộ GD-ĐT cũng đang chuẩn bị làm quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và hệ thống giáo dục trong cả nước. Nhân dịp này, Bộ trưởng đề nghị Trường ĐH Sư phạm TP.HCM rà soát lại chiến lược và định hướng phát triển. Vì khối sư phạm sẽ liên quan một phần đến hoạt động trực tiếp, quan trọng ở các định hướng lớn của ngành. Trong quá trình rà soát, cần cân nhắc một số điều có tính chất xu hướng. Giữa xu hướng một trường thuần túy đào tạo giáo viên theo mô hình đào tạo sư phạm cũ và xu hướng đào tạo sư phạm trong hệ thống đa ngành, cái nào tốt nhà trường tự lựa chọn. Vì hệ thống giáo dục và hệ thống các trường sư phạm hiện nay, đa ngành là một xu hướng lớn.

Bộ trưởng cũng bày tỏ vui mừng với các kết quả nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế của trường. Theo Bộ trưởng, với một trường sư phạm, cần tập trung cao độ cho các nghiên cứu trong nhóm thuộc về khoa học giáo dục và công nghệ giáo dục – đào tạo. Bên cạnh đó, trường cần đầu tư nhiều vào các nghiên cứu ứng dụng vì trong đổi mới giáo dục – đào tạo và đổi mới giáo dục phổ thông thì một trong các vấn đề quyết định sự thành bại chính là phương pháp. “Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành và triển khai, học liệu được chuẩn bị mới nhưng phương pháp không theo kịp và kiểm tra, đánh giá, đo lường trong hoạt động giáo dục mà không được triển khai một cách mạnh mẽ thì khó đạt được kết quả mong muốn”- Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.

Bộ trưởng tán thành việc trường tăng cường các trường thực hành nhưng cho rằng các triển khai nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới thì không phải chỉ ở một trường thực hành đủ. Mà kết nối giữa trường sư phạm với hệ thống trường phổ thông là cực kỳ bức thiết và khăng khít. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị trường điều chỉnh tăng mạnh đào tạo giáo viên khối mỹ thuật, nghệ thuật vì đây là khối hiện đang có nhu cầu giáo viên rất lớn. Tuy nhiên việc đào tạo cũng cần khảo sát, dự báo, tính toán nhu cầu.

Khối sư phạm sẽ được chú ý đầu tư

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đề xuất, kiến nghị với Bộ GD-ĐT nhiều nội dung trong đó có việc xem xét đầu tư cở vật chất và trang thiết bị cho trường, đặc biệt là các hạng mục liên quan đến thư viện, nhằm phát triển thành thư viện hiện đại và được đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho trường mở rộng cơ sở theo định hướng chiến lược phát triển, nhất là phát triển giáo dục phổ thông (Trường Thực hành sư phạm và Trường phổ thông liên cấp, Trường Mầm non thực hành sư phạm) và phát triển công tác đào tạo và bồi dưỡng nói chung. Tổ chức thẩm định và sớm có quyết định thành lập các phân hiệu của trường tại Long An và Gia Lai để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho cả trình độ cử nhân và thạc sĩ.

Đồng thời, tạo điều kiện để trường sớm hoàn tất thủ tục, triển khai dự án đầu tư, xây dựng công trình Nhà học đa năng tại cơ sở 5 (A1, Nơ Trang Long, Phường 13, Quận Bình Thạnh) trên cơ sở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận. Theo nhà trường, đây là điều kiện thuận lợi giúp trường bảo toàn quỹ đất để tăng cường cơ sở vật chất.

Ngoài ra, trường cũng kiến nghị Bộ ủng hộ và tạo điều kiện cho trường trong quá trình thực hiện đề án phát triển phân hiệu hoặc bổ sung cơ sở của trường dựa trên tiến trình làm việc của trường với các cơ sở giáo dục ở TP.HCM hoặc các tỉnh thành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên hiện nay…

Trước kiến nghị của trường liên quan đến cơ sở vật chất, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh sử dụng nguồn kinh phí trung hạn thì cũng lập đề án để trang bị hoàn thiện thêm thư viện thông qua tìm nguồn kinh phí thường xuyên hằng năm. Còn các nội dung khác liên quan đến phát triển cơ sở vật chất, Bộ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT cũng đang đề xuất với Chính phủ một số hợp phần để đầu tư. Trong các đầu tư, hiện đại hóa khối trường ĐH thì khối sư phạm sẽ được đặc biệt lưu ý.

Được biết, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cũng đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT ủng hộ chủ trương thành lập 2 trường ĐH thành viên (Trường ĐH Khoa học sức khỏe trên cơ sở phát triển từ Khoa Y và Trường ĐH Công nghệ Môi trường trên cơ sở phát triển từ Viện Môi trường và Tài nguyên); ủng hộ chủ trương và đầu tư nâng cấp Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐH Quốc gia TP.HCM thành Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục TP.HCM, hướng đến tầm khu vực và quốc tế.

Về đào tạo, ĐH này kiến nghị Bộ GD-ĐT đồng ý để mình chủ trì, phối hợp với một số trường ĐH trọng điểm thực hiện đề án đào tạo nhân lực số (nhóm ngành công nghệ thông tin) phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; ủng hộ chủ trương và đầu tư phát triển kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành kỳ thi quốc gia, điểm thi là căn cứ xét tuyển đầu vào cho các trường ĐH khu vực từ các tỉnh miền trung từ Huế trở vào và các tỉnh phía Nam…

Mê Tâm

Bình luận (0)