Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lực lượng tình nguyện tiếp sức mùa thi năm 2011: Đông nhưng phải mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 Thanh niên Thủ đô Hà Nội đã 9 lần tổ chức chương trình tiếp sức mùa thi – đồng hành với sĩ tử khắp cả nước về dự các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vào dịp tháng 7 hằng năm.
Dù có nhiều kinh nghiệm trong huy động, bố trí lực lượng cũng như vận động tài trợ của các doanh nghiệp, đơn vị cùng đồng hành, song việc tuyển chọn và tổ chức hoạt động cho các tình nguyện viên cũng còn nhiều điểm cần rút kinh nghiệm ở mùa tiếp sức năm 2011 – năm thứ 10 chương trình tiếp sức mùa thi diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội.


Hoạt động thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi cần được tổ chức linh hoạt và khoa học. Ảnh: Viết Thành

 10 năm hoạt động vẫn tồn tại nhiều bất cập
Theo báo cáo của Thành đoàn Hà Nội, sau 9 năm tổ chức hoạt động tiếp sức mùa thi, lượng tình nguyện viên năm sau luôn nhiều hơn năm trước, các nhóm làm việc, phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả hơn, màu áo xanh tình nguyện đã gây ấn tượng với nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho biết, khẩu hiệu "Hãy tự tin, chúng tôi đi cùng bạn" đã trở nên quen thuộc qua các chiến dịch hè tình nguyện. Những hoạt động như tư vấn, cung cấp địa chỉ nhà trọ, hướng dẫn đường tới các địa điểm tổ chức thi, điểm thi, tiếp đón sinh viên trúng tuyển nhập trường… đã giúp hàng vạn thí sinh và người nhà tránh khỏi bỡ ngỡ khi có mặt ở Hà Nội; đồng thời thuận tiện hơn trong việc sắp xếp nơi ăn chốn ở và bố trí đi lại.
Tuy nhiên, còn nhiều thiếu sót cần khắc phục và một số vấn đề phải rút kinh nghiệm ngay trong năm nay. Trước hết là tình trạng lộn xộn, chồng lấn của nhiều đội tình nguyện ở các bến xe, nhà ga, khiến hình ảnh tình nguyện viên trong mắt của một bộ phận thí sinh và người nhà thí sinh giảm sút uy tín, thậm chí còn tạo nên tâm lý thiếu tin tưởng, nghĩ rằng tình nguyện viên làm cho có phong trào. Nguyễn Thùy Dương, Đội trưởng Đội Sinh viên tình nguyện Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, năm 2010, nhóm tình nguyện viên của trường làm việc tại Bến xe Gia Lâm, dù cơ sở vật chất (áo, ô che, bản đồ) được trang bị tương đối đầy đủ, song tình trạng mất đồ, lấy lẫn đồ của nhau giữa các nhóm vẫn diễn ra khiến nhiều tình nguyện viên bức xúc. Đặc biệt, một số tình nguyện viên trang phục không gọn gàng khiến người nhà thí sinh thiếu tin cậy. Thêm vào đó, do thiếu sự phối hợp giữa các đội, nhóm, giữa các trường và đội tình nguyện hội đồng hương các tỉnh khiến người đông nhưng hiệu quả vẫn thấp. Việc tổng hợp bản đồ, các tuyến xe buýt gần điểm thi chưa sáng tạo, nên còn tình trạng thí sinh và người nhà thí sinh đi lại lòng vòng…
Nguyễn Thanh Bàng, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội nêu thêm hạn chế, đó là việc phân bổ tiếp sức có nơi, có lúc chưa phù hợp, những bến xe có đông thí sinh các tỉnh về thi thì lực lượng sinh viên trường ở gần đó lại không được bố trí, huy động. Ví dụ như Bến xe Giáp Bát và Bến xe Gia Lâm hàng năm có rất nhiều thí sinh từ các tỉnh về, nhưng đội sinh viên của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội lại được bố trí ở Bến xe Mỹ Đình. Năm 2011, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức 41 điểm thi, vì thế Đội sinh viên tình nguyện của trường mong muốn Thành đoàn, ngoài phân bổ sinh viên làm nhiệm vụ tại bến xe Mỹ Đình thì cũng nên bố trí có đội sinh viên của trường tại hai bến xe Gia Lâm và Giáp Bát.

Thanh niên tình nguyện luôn sát cánh giúp đỡ các thí sinh và người nhà thí sinh trong các kỳ thi ĐH, CĐ. Ảnh: Viết Thành

 Với tình nguyện viên, không chỉ cần có lòng nhiệt tình
Tại buổi triển khai nhiệm vụ hoạt động cho hơn 50 đội sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi 2011, Bí thư Thành đoàn Ngọ Duy Hiểu đã nêu 4 yếu tố cơ bản cho một tình nguyện viên và yêu cầu Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường tổ chức tuyển chọn kỹ, để chất lượng tiếp sức thiết thực, tạo cảm giác an tâm cho thí sinh và người nhà thí sinh, nâng cao hình ảnh đẹp thanh niên tình nguyện Thủ đô. Ngoài yếu tố nhiệt tình, mỗi tình nguyện viên cần có sức khỏe; chấp hành kỷ luật, đoàn kết theo nhóm và sáng tạo trong công việc. Đây là một trong 4 tiêu chí để xét biểu dương, khen thưởng sau mùa hè tình nguyện mà Thành đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội ban hành trong mùa tiếp sức năm 2011.
Anh Nguyễn Đình Trung, Trưởng ban Thanh niên nông thôn Thành đoàn Hà Nội cho biết: "Mùa hè năm 2010, tôi trong đoàn kiểm tra của Thành đoàn Hà Nội đến giám sát ở các bến xe, thấy rất nhiều tình nguyện viên không biết điểm thi, địa bàn các quận, huyện cũng như các tuyến phố, nên khi thí sinh và người nhà thí sinh hỏi đường thì chạy một vòng hỏi người khác, gây thất vọng, giảm sút niềm tin của người hỏi đường, dù trên người đeo thẻ tình nguyện viên. Vì thế năm nay chúng tôi sẽ khắc phục điểm này, đặc biệt là phân chia 3 ca/ngày để giảm tải sự căng thẳng làm việc liên tục của tình nguyện viên".
Năm nay, Thành đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội cũng quan tâm đến địa bàn ngoại thành Hà Nội là thị xã Sơn Tây – nơi 6 trường quân đội và Trường đại học Công nghiệp Việt – Hung tổ chức kỳ thi tuyển sinh. Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo Thị đoàn Sơn Tây rà soát, công bố các tuyến xe buýt, địa điểm thi của các trường cho các đội sinh viên tình nguyện để tiện cho việc tiếp sức, hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh và người nhà thí sinh tại điểm trung chuyển xe buýt, xe khách. Theo Phó Bí thư Thị đoàn Sơn Tây Hứa Đức Tuấn, bắt đầu từ ngày 15-6, Thị đoàn đã có kế hoạch tổ chức 4 điểm tiếp sức tại các ngã ba, ngã tư; liên hệ với các trường quân đội bảo đảm đủ chỗ trọ giá rẻ (khoảng 30 nghìn/người/ngày) và sẽ miễn phí cho đối tượng con, em gia đình chính sách.
Tính đến ngày 17-6-2011, các tình nguyện viên đã tìm được hơn 67.000 chỗ trọ giá rẻ và miễn phí. Thành đoàn Hà Nội đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ 230.000 bản đồ Hà Nội; 12.000 áo thanh niên Việt Nam; 1.000 thẻ xe buýt miễn phí; 2.000 mũ; 400 ô che nắng; 20.000 tờ rơi, cẩm nang tiếp sức mùa thi; 10.000 chai nước uống và 1.000 bình nước với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng phục vụ cho chương trình tiếp sức mùa thi. Chương trình tiếp sức triển khai hai giai đoạn đó là hỗ trợ tuyển sinh (từ tháng 5 đến tháng 7) và chào tân sinh viên (từ 28-8 đến 31-9).
 Theo Vũ Thủy  

(HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)