Bộ trưởng Giáo dục đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 – 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng".
Chiều 2-11, bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo kế hoạch ban đầu, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2018-2019 với các lớp 1, 6 và 10 và tiếp theo với các khối lớp còn lại cho đến năm học 2022-2023.
Cần thêm 1 năm nữa
Theo bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc thực hiện nghị quyết ban hành năm 2014 nói trên của Quốc hội tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Đó là thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến. Việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.
"Trong 3 năm học đầu tiên của lộ trình, mỗi năm học đều phải triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở 3 lớp thuộc ba cấp học khác nhau, trong khi 2 năm học cuối của lộ trình mỗi năm học chỉ triển khai thêm ở 1 hoặc 2 lớp ở cấp tiểu học", bộ trưởng nói.
Mặt khác, hội nghị Trung ương 6 cũng vừa thông qua nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cũng như nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó Chính phủ cần có thời gian để chỉ đạo triển khai các nghị quyết này.
Đảm bảo không tăng kinh phí
Để đảm bảo chất lượng, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022 và hoàn tất việc áp dụng cho tất cả các khối lớp vào năm học 2023-2025.
"Như vậy, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp THCS chậm 2 năm và ở cấp THPT chậm 3 năm. Và sau 5 năm thực hiện thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới", bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng cũng cho rằng với phương án mới sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới.
Bên cạnh đó là bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đảm bảo kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh.
VIỄN SỰ/ TTO
Bình luận (0)