Sáng 6-6, tại TP.HCM, Cục Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức “Họp tham vấn dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về khí thải ô tô, xe mô tô, xe gắn máy và lộ trình áp dụng”.
Chủ trì cuộc họp có ông Lê Hoài Nam – Phó Cục trưởng Cục Môi trường; ông Nguyễn Tô An – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Cuộc họp nhằm thu thập ý kiến đóng góp từ các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan về nội dung dự thảo, đồng thời đánh giá tính khả thi trong quá trình triển khai thực tế.

Tại cuộc họp, nhiều thông tin quan trọng đã được công bố, trong đó đáng chú ý là việc lùi thời điểm bắt đầu kiểm định khí thải xe máy tại Hà Nội và TP.HCM đến ngày 1-7-2027, chậm hơn 6 tháng so với dự thảo trước đó.
Đây là bước điều chỉnh có tính đến thực tiễn, nhằm tạo thêm thời gian chuẩn bị cho người dân và chính quyền địa phương, nhưng đồng thời vẫn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị – một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay.
Theo dự thảo quyết định trình Chính phủ, việc áp dụng quy chuẩn khí thải sẽ được triển khai theo ba giai đoạn dựa trên địa bàn hành chính các tỉnh, thành phố. Cụ thể, từ ngày 1-7-2027: Áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM – hai thành phố chịu áp lực ô nhiễm không khí nặng nề nhất.
Từ ngày 1-7-2028 mở rộng đến các đô thị lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế. Từ ngày 1-7-2030 áp dụng toàn quốc, với sự linh hoạt cho phép các địa phương chủ động rút ngắn thời gian triển khai nếu điều kiện cho phép.
Cùng với đó, các mức khí thải áp dụng cho xe mô tô và xe gắn máy cũng được phân loại theo năm sản xuất. Cụ thể: Mức 1 thực hiện đối với xe mô tô sản xuất trước năm 2008 và xe gắn máy trước năm 2016; Mức 2 dành cho xe mô tô sản xuất từ 2008–2016 và xe gắn máy từ 2017 đến 30-6-2027; Mức 3 dành cho xe mô tô sản xuất từ 2017 đến 30-6-2026; Mức 4 dành cho xe mô tô sản xuất sau ngày 1-7-2026.
Từ ngày 1-1-2030, tất cả xe máy lưu thông tại Hà Nội và TP.HCM sẽ bắt buộc phải đạt ít nhất mức 2 về khí thải. Đây là sự thay đổi đáng kể so với dự thảo cũ, vốn dự kiến lộ trình này bắt đầu từ năm 2032.

QCVN mới trong dự thảo đã quy định rõ giới hạn tối đa cho phép đối với các thông số khí thải cơ bản gồm Cacbon Monoxit (CO) và Hydrocacbon (HC) – hai chất khí gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Việc đo khí thải sẽ được thực hiện khi xe ở chế độ không tải, theo tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 11215:2015 và ISO 17479:2020.
Các đơn vị thực hiện kiểm tra khí thải phải được chứng nhận đủ điều kiện, sử dụng thiết bị đo đạt chuẩn theo quy định tại QCVN 103:2024/BGTVT – quy định về cơ sở kiểm định khí thải xe cơ giới. Điều này nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và đồng bộ trong toàn hệ thống.
Ông Lê Hoài Nam – Phó Cục trưởng Cục Môi trường – cho biết, hiện nay cả nước có tới 70 triệu xe mô tô và xe gắn máy đang lưu hành. Với quy mô lớn như vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt sẽ có tác động đáng kể đến chất lượng không khí.
Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị và hoàn thiện hệ thống QCVN về khí thải phương tiện giao thông, Cục Môi trường được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo thông tư quy định QCVN về khí thải ô tô, xe mô tô, xe gắn máy và lộ trình áp dụng để trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ban hành.
Đồng thời, xây dựng dự thảo quyết định quy định lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông ở Việt Nam trình lên Chính phủ để Thủ tướng ban hành.
“Gần như mọi hộ gia đình đều sở hữu xe máy. Vì vậy, chính sách cần được xây dựng thận trọng, có lộ trình rõ ràng và tạo sự đồng thuận cao. Đây là quan điểm nhất quán trong quá trình soạn thảo chính sách, nhằm tránh gây sốc cho người dân, đồng thời nâng cao tính tuân thủ và hiệu quả thực thi”, ông Nam nhấn mạnh.
Hồ Trinh
Bình luận (0)