Năm 2009 Bộ vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, BT THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ như hiện nay. Đây là thông tin mới nhất được ngành giáo dục đưa ra. PV Báo Giáo Dục TP.HCM đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long xung quanh vấn đề này.
PV: Tại sao Bộ lại quyết định lùi thời điểm thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia năm 2009, thưa ông?
– Qua thăm dò góp ý của các bộ ngành, sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ… góp ý kiến tuy nhiên điều kiện chưa chín muồi do đó năm 2009 sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc hơn, kỳ thi ĐH, CĐ làm thế nào để chất lượng cao hơn trong tất cả các khâu từ tổ chức thi, xét tuyển… dần dần đảm bảo quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Nhưng phải đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cấp quốc gia. Đề án đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, được các bộ ban ngành, các trường góp ý kiến dự thảo nhiều lần tuy nhiên khi nào kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc hơn sẽ tổ chức thi chung.
Việc tạm hoãn có là một cú “shock” cho dư luận vào thời điểm này, bởi rất nhiều thí sinh đã lo lắng cho việc năm nay có thể là “chuyến tàu cuối”?
– Tôi nghĩ chuyện này dư luận sẽ sẵn sàng chấp nhận, bởi nó tiếp tục giữ ổn định tình hình như những năm qua. Ngoài ra dư luận cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận một đề án mới. Nhưng do điều kiện chuẩn bị chưa chín muồi nên cần phải tiếp tục giữ ổn định tình hình như năm qua.
Như vậy dường như “món nợ” của ngành giáo dục đối với dư luận xã hội ngày càng nhiều hơn, trước là đến án học phí mới, giờ đến đề án tuyển sinh?
– Đề án tuyển sinh chưa thực hiện chỉ là kế tục sự ổn định nhưng cũng có một vài suy nghĩ. Tuy nhiên theo tôi, cách tiếp nhận vẫn là cởi mở, thẳng thắn.
Thực hiện “Hai không”, trật tự kỉ cương thi tại thi tốt nghiệp THPT đã tốt hơn nhưng dư luận vẫn rất lo lắng về sự nghiêm túc tại các địa phương?
– Thứ nhất, việc đảm bảo chất lượng phổ thông cũng như đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực hiện nay Bộ đang triển khai bằng công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Thứ hai là phương án tổ chức thi, thi phổ thông cũng có nơi làm rất tốt như Thừa Thiên – Huế tập trung học sinh về thành phố thi để đảm bảo kỷ cương tốt hơn. Tôi nghĩ, sau này tỉnh nào có điều kiện thì cũng nên thực hiện như thế. Còn hiện tại chúng ta tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Hai không” trong cả nhận thức và hành động. Động lực của cuộc vận động này là thầy cô giáo và những người làm công tác kiểm tra, đặc biệt là những người làm công tác giám thị trong phòng thi. Họ làm tốt, cuộc vận động mới thành công chứ không thể bất kỳ một lực lượng thanh tra nào có thể can thiệp được.
Thứ trưởng có e ngại tính cục bộ địa phương trong việc tổ chức một kỳ thi?
– Cái đó cũng có nhiều ý kiến và là một thực tế. Để đảm bảo kỳ thi khách quan công bằng, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể. Tôi nghĩ cũng sẽ tính đến việc tập trung thí sinh tại thành phố, tập trung giảng viên, giáo viên cùng tham gia coi, chấm thi. Làm như thế sẽ tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)