Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lúng túng cho nông dân vay thế chấp sổ đỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Hết năm 2013 là thời điểm kết thúc thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo Luật Đất đai 1993. Trước thông tin này, ngân hàng tỏ ra lúng túng, không biết có nên cho nông dân tiếp tục vay hay không.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc vùng Tây Nam bộ Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho biết trong giấy chứng nhận sử dụng đất nông nghiệp của nông dân, hầu như đa phần sẽ hết hạn trong năm 2013, do đó, tùy mỗi ngân hàng mà họ sẽ có hướng xử lý riêng.

Theo ông Minh, nếu có thông báo nông dân tiếp tục được sử dụng, dĩ nhiên ngân hàng sẽ cho vay nhưng bây giờ vì lý do trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đến năm 2013 nên rất khó để ngân hàng quyết định.

Trong khi ngân hàng tỏ ra lúng túng trong quyết định có cho nông dân vay hay không, thì nông dân nói vẫn vay được. Trong ảnh là nông dân đang cho cá tra ăn (ảnh minh họa) – Ảnh: Trung Chánh.

“Ví dụ, có giấy chứng nhận đến tháng 9, thàng 10 năm nay sẽ hết hạn sử dụng nhưng bây giờ nông dân vay ít nhất cũng 12 tháng mới đáo hạn, đâm ra cái này (giải quyết cho vay hay không) cũng tùy ngân hàng nữa”, ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, phía OCB chưa gặp trường hợp nào như trên nên chưa thể nói hướng xử lý cụ thể của OCB được. “Ở bên tôi không có trường hợp nông dân nào tới vay cả, chưa thấy có anh em nào tuyến dưới báo cáo gặp trường hợp này. Nông dân vay của OCB hầu như là khách cũ, chỉ cơ cấu lại nợ thôi chứ không có cho vay mới”, ông Minh cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với TBKTSG Online, một số bà con nông dân nuôi cá tra tại An Giang đều cho biết ngân hàng vẫn giải quyết cho vay, tuy nhiên, cách nay một thời gian khá lâu.

Theo ông Trần Văn Tách, nông dân nuôi cá tra tại xã Phú Bình, huyện Châu Phú, An Giang, phía ngân hàng vẫn giải quyết cho vay bình thường nhưng ông thực hiện giao dịch với ngân hàng cách nay hơn 1 tháng.

“Ngoại trừ số tiền cho vay giảm, ngân hàng vẫn giải quyết cho nông dân vay. Trước đây, thế chấp sổ đổ (giấy chứng nhận sử quyền dụng đất) có diện tích 3 héc ta, ngân hàng có thể giải quyết cho vay tới 2-3 tỉ đồng, còn gần đây chỉ 600-700 triệu đồng là cao lắm rồi, chỗ quen biết mới được vậy đó”, ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) cũng là hộ nuôi cá tra tại huyện Châu Phú, An Giang cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyên, thời điểm đó cách nay khoảng 2-3 tháng trước, còn hiện tại ngân hàng có giải quyết hay không ông không rõ lắm.

(TBKTSG Online)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)