Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lúng túng đào tạo tín chỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2009-2010 là năm đầu tiên đào tạo tín chỉ được triển khai đại trà trên toàn quốc. Thế nhưng khi năm học mới đã bắt đầu, nhiều trường ĐH vẫn còn đang… rối.

Tân sinh viên khóa 35 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM làm thủ tục nhập học sáng 18-9. Dù công bố triển khai từ khóa tuyển này nhưng thực chất đến học kỳ II việc đào tạo theo tín chỉ mới thật sự được áp dụng triệt để – Ảnh: A.Lộc
Trong đào tạo tín chỉ (ĐTTC), sinh viên có quyền chọn các học phần và lớp học với thời gian biểu thích hợp cho mình. Nghĩa là mỗi sinh viên sẽ có một thời khóa biểu riêng. Thế nhưng đến nay nhiều trường vẫn chưa thực hiện trực tuyến (online thông qua Internet) việc này. Thay vào đó các phiếu đăng ký học phần, lớp học được phát cho sinh viên. Sau đó các phiếu được thu hồi và xử lý bằng tay. Điều này dẫn đến việc trường không kiểm soát và phản hồi kịp thời việc quá nhiều sinh viên đăng ký chung một học phần, vào chung một lớp.
Rối từ thủ tục đến học phí
Ngược lại, có thể có lớp do số sinh viên đăng ký quá ít phải điều chuyển từ lớp khác qua hay phải hủy bỏ. Việc điều chuyển sinh viên lại gặp phải những rắc rối phát sinh khác. Sinh viên có thể bị chuyển vào lớp không mong muốn; nếu lớp hủy bỏ thì sinh viên lại phải được thông báo để đến đăng ký bổ sung… Do không có biện pháp liên lạc kịp thời nên có trường hợp buổi học đầu tiên của môn học sinh viên đến không có thầy, hay ngược lại có lớp thầy đến lại không có sinh viên. Hỏi ra mới biết lớp đã bị hủy.
Vẫn thu học phí theo niên chế
Một số trường tạm thời thu học phí theo niên chế và chờ văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Ths Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Trước mắt trường vẫn thu phí theo niên chế với mức 1,2 triệu đồng/học kỳ, tương ứng 240.000 đồng/tháng”. Trường ĐH Sài Gòn tạm thu với mức cũ là 180.000 đồng/tháng, việc truy thu sẽ được tính lại sau.

Việc chuyển đổi, hủy môn học cũng khá phức tạp. Do nhiều lý do, sinh viên khi đăng ký chọn các môn học đã để xảy ra việc trùng lắp thời khóa biểu. Hoặc sinh viên chọn các môn học có thời khóa biểu không phù hợp cho việc di chuyển, sinh viên lại phải làm phiếu xin điều chỉnh. Hệ quả là hàng trăm sinh viên phải xếp hàng (và chen lấn) xin điều chỉnh (đôi khi phải nghỉ học để điều chỉnh, khi điều chỉnh được qua lớp khác thì lớp đó đã học được một vài buổi).

Phức tạp hơn nữa là vấn đề học phí và thu học phí. Năm học 2009-2010 là năm đầu tiên ngành GD-ĐT áp dụng mức học phí mới. Các trường ĐH được phép thu học phí hệ ĐH từ 50.000-240.000 đồng/tháng. Điều này có nghĩa học phí vẫn được tính theo niên chế. Mỗi năm học mười tháng, tổng học phí tối đa sẽ là 2,4 triệu đồng. Trong khi đó các trường lại chuyển sang đào tạo tín chỉ. Mỗi trường đành thực hiện theo mỗi cách khác nhau. Có trường dựa trên số tiền 2,4 triệu đồng/năm hay 9,6 triệu đồng/4 năm học để tính ngược lại số tiền tạm thu cho mỗi tín chỉ.
Khập khiễng
Ngoài ra, nếu vẫn thực hiện cách thu trực tiếp từ sinh viên như cũ thì việc thu học phí cũng dễ khiến trường bị quá tải. Bởi mỗi sinh viên sẽ phải trả một mức học phí khác nhau tùy theo số tín chỉ và loại tín chỉ (thực hành hay lý thuyết) đăng ký.
Những lúng túng này xuất phát từ nguyên nhân đầu tiên là sự bất cập về nhân lực. Để chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, công việc quản lý hành chính (chủ yếu là đào tạo) sẽ phải thay đổi một cách căn bản, theo hướng nặng lên rất nhiều. ĐTTC đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân viên rất chuyên nghiệp, phải được đào tạo bài bản về ĐTTC. Trong khi đó, các trường ở nước ta chủ yếu là tự học. Việc chuyển sang ĐTTC khá muộn khi quy mô sinh viên từng trường ĐH quá lớn cũng là một trở lực.
Quan trọng hơn khả năng tin học hóa thật sự chưa đáp ứng được yêu cầu. Với một phần mềm mạnh, lường trước được mọi tình huống phát sinh để tự động điều chỉnh giải quyết, đội ngũ nhân viên thuần thục thì các khó khăn nêu trên sẽ được khắc phục về cơ bản. Việc đóng học phí (hay hoàn trả, đóng thêm tiền) cũng sẽ được thực hiện qua việc liên kết với một hệ thống ngân hàng nhất định… Nhà trường cũng được giảm tải đi nhiều, sẽ không còn cảnh hàng trăm sinh viên chầu chực ở các phòng ban để nộp phiếu đăng ký, chuyển đổi hay nộp tiền học…
NGUYỄN VĂN TRUNG
(GV Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
TTO

Bình luận (0)