Lớp học đông, trình độ ngoại ngữ sinh viên chưa đáp ứng, ngay cả giảng viên cũng lúng túng…, đó là những nguyên nhân cố hữu gây trở ngại cho việc giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh ở các trường ĐH, CĐ.
Quang cảnh buổi hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh cho người học trong bối cảnh hội nhập”. Ảnh: T.T |
Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh cho người học trong bối cảnh hội nhập” vừa được Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM tổ chức tiếp tục đưa vấn đề này ra thảo luận.
Thầy trò cùng áp lực!
Trình độ tiếng Anh của sinh viên hạn chế và không đồng đều đã tạo áp lực lớn cho cả thầy lẫn trò trong việc dạy và học chuyên ngành bằng tiếng Anh. |
Dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh được nhiều trường ĐH, CĐ thực hiện những năm gần đây, bản thân giảng viên, sinh viên đều thấy được cái lợi rõ ràng của hoạt động đó, nhất là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay. Tuy nhiên hiệu quả của việc giảng dạy vẫn còn cách xa mong đợi. Thực tế, cả thầy và trò đều khá lúng túng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. ThS. Lâm Ánh Nguyệt (Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) chỉ ra, bên cạnh quá trình học phổ thông, sinh viên còn trải qua 5 học phần tiếng Anh ở trường CĐ, nhưng nếu chỉ dừng lại ở 5 học phần này, năng lực tiếng Anh của các em vẫn chưa thể được cải thiện. Trong khi đó, để dạy và học tốt chuyên ngành bằng tiếng Anh, người học cần có nền tảng tiếng Anh tương đối khá, hứng thú và khả năng tiếp thu chuyên ngành tốt. ThS. Lưu Thị Mai Vy (Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) cho biết thêm, trình độ tiếng Anh của sinh viên hạn chế và không đồng đều đã tạo áp lực lớn cho cả thầy lẫn trò trong việc dạy và học chuyên ngành bằng tiếng Anh. Việc nghiên cứu tài liệu ở nhà, nghe hiểu trên lớp, trao đổi, diễn đạt ý tưởng rất khó thực hiện do trình độ tiếng Anh của các em không đáp ứng được.
Ở góc độ người dạy, bà Mai Vy cho rằng, năng lực ngoại ngữ của giảng viên chuyên ngành chưa đủ để giảng dạy hoàn toàn nội dung chuyên ngành bằng tiếng Anh. Do đó, trong quá trình dạy, một số giảng viên sử dụng kỹ thuật đền bù, nghĩa là giảng bài bằng tiếng Việt và tóm tắt lại bằng tiếng Anh. Điều này trái với nguyên tắc dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh.
Ý kiến khác cũng nhìn nhận, giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh đòi hỏi giảng viên có chuyên môn lẫn trình độ tiếng Anh tốt. Thế nhưng ở nước ta hiện nay, nhiều giảng viên có trình độ chuyên môn tốt lại hạn chế năng lực sử dụng ngoại ngữ. Thậm chí, có giảng viên sở hữu đầy đủ chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không thể dùng để dạy… chuyên ngành.
Giảm sĩ số, bồi dưỡng năng lực giảng viên…
Khan hiếm giảng viên vừa giỏi tiếng Anh vừa chắc chuyên môn Theo bà Lê Thị Kim Hoàn (Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM), giảng viên chuyên ngành thường không thạo ngoại ngữ, giáo viên ngoại ngữ lại không thạo chuyên ngành. Do vậy, giảng viên giỏi tiếng Anh đã thiếu, giảng viên vừa giỏi tiếng Anh vừa chắc chuyên môn lại càng khan hiếm hơn… |
Khảo sát trên 153 sinh viên các trường ĐH, CĐ như: Kinh tế TP.HCM, Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Saigontech cho thấy 5 nhóm yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh là môi trường học tập, phân bổ lớp học, chương trình giảng dạy, sinh viên và giảng viên. Những sinh viên được khảo sát có nguyện vọng được học ở lớp có sĩ số ít hơn (dưới 35 sinh viên/lớp) để thuận tiện trao đổi. Từ đây, ThS. Nguyễn Thị Diễm Em (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) đặt vấn đề điều chỉnh sĩ số lớp học để sinh viên có điều kiện tiếp thu bài. Đồng thời, xếp lớp dựa trên học lực và trình độ ngoại ngữ của người học cũng sẽ góp phần cải thiện chất lượng giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh tại các trường ĐH, CĐ.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Tứ (Trường ĐH Vinh) đưa ra hướng dựa vào điều kiện cụ thể, có thể sử dụng tiếng Anh dạy toàn học phần hoặc một số tiết, dạy lý thuyết, hướng dẫn thực hành… Bước đầu có thể kết hợp giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Việt trong một học phần, đối tượng… để sinh viên dễ làm quen, tiếp cận. Ông Tứ cũng nhấn mạnh, cần xem trọng hoạt động giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh, không thực hiện hình thức, đối phó gây lãng phí. Đồng thời, không nóng vội, đốt cháy giai đoạn sẽ khó đạt được kết quả mong muốn, dễ dẫn đến bỏ cuộc.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực giảng viên để đảm trách tốt giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh cũng được nhiều trường cho là cần thiết. Đại diện một trường CĐ nhận định, để dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh hiệu quả, có thể chọn nguồn giảng viên nước ngoài hoặc giảng viên tốt nghiệp từ các nước nói tiếng Anh. Tuy nhiên, thực tế điều này không phải dễ thực hiện do còn cân nhắc năng lực tài chính. Vì vậy, theo đại diện này, việc có thể làm được là tăng cường các hoạt động hợp tác học thuật, giảng dạy, nghiên cứu trong nước với các quốc gia lân cận và tiên tiến để nâng cao chất lượng giảng viên.
M.Tâm
Bình luận (0)