Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lúng túng trong xây dựng “chuẩn đầu ra”

Tạp Chí Giáo Dục

Các đại biểu tham dự hội thảo “Đào tạo cử nhân quan hệ quốc tế (QHQT): Chuẩn đầu ra và yêu cầu xã hội” do Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn (KHXH-NV) TP.HCM tổ chức trong hai ngày 10, 11-9 đều nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng chuẩn đầu ra nhưng xây dựng chương trình chuẩn cụ thể như thế nào thì vẫn còn rất nhiều băn khoăn, lúng túng…

Trình độ ngoại ngữ của SV không đồng đều gây khó cho công tác đào tạo cũng như xây dựng chuẩn đầu ra
“Lẽ ra cần “chuẩn” sớm hơn!”
TS. Vũ Ngọc Miến (Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) cho rằng, việc thực hiện chuẩn đầu ra tại thời điểm này không còn là sớm nữa và lẽ ra cần được thực hiện sớm hơn. TS. Đào Minh Hồng (Trưởng khoa QHQT Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) cũng đồng tình: “Các nước có nền giáo dục phát triển, chương trình đào tạo của một ngành thường được xây dựng trên cơ sở chuẩn đầu ra. Trong khi đó ở nước ta, năm 2005, Bộ GD-ĐT đưa ra chương trình khung cho tất cả các ngành, 2006 công bố chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ nhưng đến 2009 mới kêu gọi xây dựng chuẩn đầu ra và đến 2010 bắt buộc các trường công bố chuẩn đầu ra. Thực chất đây là quy trình ngược khiến các ngành học lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu”. Ngay tại ĐH KHXH-NV TP.HCM, dù công bố chuẩn đầu ra sớm nhất ĐHQG TP.HCM và cả nước nhưng đây cũng chỉ được xem là sự khởi đầu cho quá trình sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý định kỳ. Thực tế, việc xây dựng chuẩn đầu ra của trường thời gian qua còn tồn tại không ít bất cập như thiếu định lượng một cách chuẩn xác các thành tố cấu thành chuẩn đầu ra, nhiều yếu tố được diễn đạt chung chung (vừa hồng vừa chuyên, có tri thức vững vàng, phẩm chất nhân văn tốt đẹp…); chưa thu thập được phản hồi từ người học lẫn các đơn vị sử dụng sản phẩm đào tạo của trường để kịp điều chỉnh. Theo Phó hiệu trưởng TS. Lê Hữu Phước, cái khó là ngay trong quá trình chuyển đổi sang học chế tín chỉ, xây dựng chuẩn đầu ra… gặp phải sự tiếp nhận miễn cưỡng của nhiều lực lượng giảng dạy trong trường, xem đó là trách nhiệm của lãnh đạo.
Riêng với ngành QHQT, TS. Đỗ Sơn Hải (Trưởng khoa Chính trị quốc tế & Ngoại giao, Học viện Ngoại giao) nhấn mạnh việc điều chỉnh chương trình đào tạo khi các cơ sở đào tạo đưa ra chuẩn đầu ra mới. Theo TS. Sơn, sau 5 năm, chương trình khung ngành QHQT đã bộc lộ những hạn chế nhất định như khối lượng kiến thức nhất là nhóm kiến thức tự chọn và bổ trợ thiếu nhất quán; chương trình đào tạo (185 đơn vị học trình hoặc 140 tín chỉ) vừa nặng lại vừa nhẹ đối với SV, các học phần thực hành rất ít làm chậm chuyển biến quy trình giảng dạy; chương trình đào tạo chưa thể hiện được tính liên thông (vì thời điểm đó chưa có giấy phép đào tạo liên thông)…
Vướng nhiều “rào cản”
Cũng như nhiều ngành khác, với ngành QHQT, vấn đề SV yếu ngoại ngữ hiện là “rào cản” đáng kể đối với việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Ông Ngô Tuấn Thắng (Khoa Quốc tế học, Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội) nêu thực trạng tại trường, dù khoa đã rất chú trọng giảng dạy ngoại ngữ cho SV với việc tăng 22 tín chỉ ngoại ngữ chuyên ngành nhưng thực tế phần đông SV ra trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc, nghiên cứu… Nguyên nhân xuất phát từ đầu vào, khi mà tại khoa hằng năm, lượng thí sinh thi vào khối D chỉ chiếm khoảng 1/3 chỉ tiêu, còn lại khối C vẫn áp đảo. Sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ trong SV khiến người dạy khó khăn hơn trong biên soạn bài giảng, truyền thụ kiến thức. Cũng theo ông Thắng, hiện chưa có chuẩn đầu ra ngoại ngữ của khoa nên rất khó để đánh giá, kiểm chứng được năng lực ngoại ngữ thực sự của SV khi mà các em chỉ cần hoàn thành các môn ngoại ngữ chuyên ngành đã có thể tốt nghiệp.
Phương án tổ chức dạy các môn học bằng ngoại ngữ cũng được một số đại biểu đặt ra nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo hứng thú cho SV. Tuy nhiên, Khoa QHQT Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM khi thực hiện phương án này trên thực tế lại gặp phải sự thiếu cộng tác của SV. SV vẫn chọn nghe giảng bằng tiếng Việt vì dễ hiểu và thi đạt điểm cao hơn. Chính các trường cũng đã rất nỗ lực trong việc gắn kết với doanh nghiệp nhằm tạo ra lứa SV có chất lượng cho xã hội nhưng ngược lại, phía người sử dụng không phải lúc nào cũng hào hứng, mặn mà phối hợp cùng trường xây dựng chuẩn đầu ra.
Bên cạnh một số giải pháp của các đại biểu hướng đến việc đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra, TS. Đào Minh Hồng còn chú trọng công tác kiểm định. Theo TS. Hồng, đây chính là công cụ kiểm tra khách quan nhất về chương trình đào tạo có đáp ứng được chuẩn đầu ra hay không. Thực tế hiện nay, do các chương trình đào tạo không được kiểm định nên ý kiến chủ quan của người quản lý, người giảng dạy thường mang tính quyết định, gây thiệt thòi lớn cho người học.
Bài, ảnh: M.T

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)