Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lúng túng với trích dẫn trong nghiên cứu

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều SV chưa trích dẫn đúng cách. Trong ảnh: SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tham khảo tài liệu 

Không nắm đúng quy định trích dẫn hoặc chỉ hiểu mơ hồ khiến giảng viên, sinh viên vô tình vi phạm hoặc e ngại trích dẫn vì sợ phạm luật.
Thực trạng này được chỉ ra tại tọa đàm “Văn hóa trích dẫn trong hoạt động nghiên cứu – học tập” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 21-10.
Mù mờ quy định trích dẫn
Phần lớn giảng viên và sinh viên hiện nay không nắm đúng quy định trích dẫn. Nhận định này được TS. Lê Thị Nam Giang (Tổng thư ký Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, giảng viên Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM) đưa ra sau nhiều lần tham gia chấm luận văn thạc sĩ, chấm đề tài nghiên cứu khoa học và cả quá trình giảng dạy. Theo bà Giang, điều này dẫn đến hai xu hướng là giảng viên, sinh viên vì không biết mà vô tình vi phạm quy định của pháp luật về trích dẫn. Nghĩa là họ có chỉ ra trong danh mục tài liệu tham khảo những đề tài mình sử dụng nhưng không chú dẫn nguồn theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT hoặc cơ sở đào tạo. Hoặc giảng viên, sinh viên biết nhưng không đầy đủ quy định nên rơi vào tâm lý ngại trích dẫn vì sợ vi phạm. Bà Giang cho rằng, việc giảng viên, sinh viên hiểu đầy đủ quy định trích dẫn để vận dụng đúng cách vừa bảo vệ mình vừa vẫn khai thác được kho tàng tri thức của người đi trước.
Thực tế, sự lúng túng khiến hoạt động trích dẫn đối với học tập, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên ĐH còn gặp khó khăn. ThS. Nguyễn Diệp Quý Vy (giảng viên Khoa Đô thị học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) chỉ ra, do không biết rõ quy định, nhiều sinh viên trích dẫn quá dài trong tiểu luận hoặc nghiên cứu khoa học. Vì vậy, để đưa hoạt động trích dẫn vào tầm kiểm soát, giảng viên này cho biết sắp tới sẽ hướng dẫn sinh viên chỉ trích dẫn nguyên văn tối đa 10% tác phẩm như cách làm của một số nước. Những sinh viên vi phạm sẽ chịu hình thức chế tài. Tuy nhiên, điều mà giảng viên này mong muốn chính là có những quy định rõ ràng hơn trong trích dẫn để làm cơ sở cho giảng viên, sinh viên trong nghiên cứu, học tập.
Hướng dẫn sớm cho sinh viên
Đồng quan điểm, bà Giang cho rằng, các cơ sở đào tạo nên có quy định riêng về vấn đề trích dẫn dựa trên cơ sở Luật Bản quyền, nhằm định hướng cho giảng viên, sinh viên. Theo bà Giang, tham khảo một số nước, luật cũng khó quy định rõ ràng vấn đề trích dẫn. Nước ta có quy định rõ, bắt buộc khi trích dẫn tài liệu của người khác phải chỉ rõ nguồn thông tin về tác giả, tác phẩm. Nhưng quy định thực sự hiệu quả nằm ở các cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, bà Giang nhấn mạnh, các nội dung hướng dẫn liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, trích dẫn… cần được các trường chủ động đưa vào tập huấn cho sinh viên ngay từ khi các em nhập học. Thực tế, sinh viên có thể tìm hiểu về trích dẫn, sở hữu trí tuệ, bản quyền… tại trang web của một số giảng viên hoặc nguồn thông tin chính thống khác là Cục Bản quyền tác giả và Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thông tin ở đây không được cụ thể mà chỉ là những kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ. Vì vậy, việc các trường tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn cung cấp kiến thức này cho sinh viên ngay khi họ mới nhập học là điều cần thiết để các em nắm rõ.
Ở cương vị giám khảo từng tham gia chấm luận văn, luận án, một giảng viên khác cũng đặt vấn đề nâng cao ý thức, đạo đức giảng viên, sinh viên trong hoạt động đào tạo, học tập, nghiên cứu khoa học. Bởi theo giảng viên này, dù luật có chặt đến mấy nhưng nếu con người không có ý thức, tìm cách lách luật thì cũng khó đảm bảo vấn đề bản quyền, trích dẫn chính xác trong quá trình dạy và học.
Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)