Cần thủ buông câu cạnh đường dây điện
|
Câu cá là thú tiêu khiển của nhiều người. Song có không ít người lại chọn nơi thả câu thiếu an toàn!
Những địa điểm câu mà chỉ nghe qua không ít người phải rùng mình như: Dưới đường dây điện; dưới trụ cầu bắc qua sông với dòng nước xoáy… Điều đáng quan tâm là ở bên “lưỡi hái tử thần” ấy không chỉ có người lớn mà còn có cả trẻ con.
Kéo cần dưới lưới điện
Chiều buông nắng, dọc theo lan can cầu Bà Chiêm (huyện Nhà Bè, TP.HCM), một nhóm người đã thả câu từ lúc nào. Hàng chục chiếc cần câu máy chuyên nghiệp dựng đứng, người câu thoải mái chuyện trò, hút thuốc, uống nước mát thư giãn. Nhìn lên trên đầu, chỉ cách mặt cầu chừng dăm mét là đường dây điện chằng chịt dẫn vào khu dân cư. Ấy vậy mà họ vẫn vô tư thả và kéo cần như không có chuyện gì xảy ra. Anh Nguyễn Thanh Vũ, tay câu có nghề đến từ phường 4 (Q.8) thừa nhận, khi giật đầu cần có thể va vào đường dây điện nhưng sự cố này rất hiếm. Trong khi người dân ngụ gần đó cho biết, thỉnh thoảng thấy hiện tượng phóng điện ở các tủ điện, phát ra đốm sáng mạnh, nguyên nhân do những người câu cá kéo cần gần lưới điện gây hiện tượng phóng điện.
Một địa điểm “câu bụi” nữa ở ngoại thành huyện Nhà Bè mà dân câu Sài Gòn thường tìm đến vào mỗi cuối tuần là cầu Phước Long (đoạn tiếp giáp giữa ấp 4, xã Phước Kiển thuộc huyện Nhà Bè và Q.7). Điểm câu nằm bên dưới, phía trên cao khoảng 25m là lưới điện dẫn về trạm biến áp 220KV Nhà Bè. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài sông rạch, khu vực này còn có nhiều ao nằm ven khu dân cư quanh năm cho nhiều tôm cá nên thu hút khá đông người đến câu. Tuy nhiên, những địa chỉ mà dân câu cho là lý tưởng nhất lại nằm trong hành lang an toàn điện. Chính quyền xã Phước Kiển cũng đã nhiều lần cảnh báo, nhắc nhở và vận động người dân không ra vào câu cá ở khu vực nguy hiểm nhưng họ vẫn bất chấp.
Cách đây chưa lâu, anh Nguyễn Hữu Đức (sinh 1980, quê Lâm Đồng) khi đang kéo cần câu ở cầu Sài Gòn 2 thì bị phóng điện cao thế. Tai nạn khiến anh Đức cháy đen cả người sau một tiếng nổ lớn. Sau thời gian tích cực điều trị nhưng anh Đức đã tử vong do nhiễm trùng máu, một biến chứng thường gặp đối với người bị bỏng sâu và rộng.
Dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh chạy qua các địa bàn Q.7, Q.8, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh, hai bên đường có nhiều kênh rạch, cây xanh mát mẻ cũng là nơi dân câu không chuyên tìm về. Hình ảnh dân câu vung và kéo cần dưới đường dây điện khiến người đi đường không khỏi giật mình.
Câu bên “miệng hà bá”
Trẻ nhỏ câu cá bên ngôi nhà sắp đổ xuống sông
|
Với dân câu, tìm được một nơi buông câu ít người biết tới, hoặc chẳng mấy ai dám tới mới chứng tỏ mình là chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Văn Giáo (ngụ ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) kể một lần ông đi kéo lưới lúc nửa đêm phía dưới cầu Ông Thìn thì phát hiện có người đàn ông ngồi vắt vẻo giữa trụ cầu. Nghĩ có người gặp tai nạn chìm xuồng, đang chờ cứu nhưng khi ông rọi đèn về phía ấy thì phát hiện người đàn ông này đang buông câu. “Câu như thế mới gọi là cảm giác”, người này nói với ông Giáo.
Dân câu cá ngát có nghề thường chọn gầm cầu hay trụ cầu, nơi có dòng nước chảy xiết để thả câu. Và để ra được đến nơi, thường nhóm câu 4-5 người thuê một chiếc xuồng của người dân địa phương đưa ra, “thả” mỗi người ở một điểm câu, đúng giờ hẹn ra đón vào bờ. Tuy nhiên có không ít người sau khi đã tiền trạm, chuẩn bị thức ăn, nước uống rồi tự bơi ra và thả câu đến khi nào chán thì mới trở vào. Ông Trần Văn Tĩnh, người được biết đến là một cần thủ đã từng “rinh” hàng chục giải lớn nhỏ ở các cuộc thi câu cá tại TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…, và cũng là người từng suýt chết vì bị nước cuốn khi câu cá ở trụ cầu Kênh Xáng (Q.8). Được mệnh danh là dân câu “cơm gạo” 20 năm, rong ruổi sông ngòi, kênh rạch khắp nơi, ông Tĩnh không mấy khó khăn để xác định con nước, dòng chảy “hiền” hay “dữ”, kể cả nơi lần đầu tiên ông đặt chân đến. Thế mà tai nạn hồi cuối năm 2014 khiến ông đã hơn một lần nghĩ đến chuyện gác cần. “Đêm đó tầm 21 giờ, biết con nước lớn nhanh, tôi thu dọn đồ nghề để kịp bơi vào bờ. Bơi được vài sải tay thì bất ngờ một dòng nước xoáy ngược rất mạnh khiến tôi không thể trụ được. Tôi lặn ngụp chừng 3 phút thì dòng nước dữ đã cuốn vào giữa bụi dừa nước. Lúc này kiệt sức, tôi đành ôm bập dừa đợi con nước ròng. Chỉ sau 2 giờ, người tôi bắt đầu lả đi vì lạnh và đói. Ơn trời, ngay lúc đó có ghe chở dừa đi qua, tôi kêu cứu đến khản cả họng. Họ đưa tôi lên ghe trong tình trạng người tím tái, khó thở”, ông Tĩnh nhớ lại.
Về huyện Bình Chánh hay huyện Nhà Bè, không khó bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ thả câu bên mé sông, rạch – nơi được liệt kê vào danh sách các điểm sạt lở nặng. Cuối con đường đất dẫn vào khu dân cư thuộc ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh là một xóm nhà tạm. Ở đó có 2 căn nhà cấp 4 đã bị nghiêng ra phía con rạch, nền và sân nhà ngập nước. Lũ trẻ chọn nơi ấy làm sân câu sau mỗi buổi tan trường. Tại đây, chúng tôi gặp bà chủ nhà trọ tên Hương. (Trước khi đến chúng tôi đã nghe mọi người xung quanh nói bà Hương mới mất trắng hơn 100 triệu đồng thuê nhân công và mua vật tư gia cố phòng nhưng bị “hà bá” nuốt chửng sau một đêm). Hỏi chuyện về mấy đứa trẻ đang câu, bà cho biết: “Nước lên, tụi nhỏ thường ra đây câu. Tui thấy lo, nói hoài mà chúng có nghe đâu. Cha mẹ chúng thì đi làm cả ngày”. Thấy người lạ tới gần, hai đứa trẻ chừng 6-7 tuổi đứng bên bờ tường nhà nghiêng 45 độ có vẻ rụt rè, trả lời nhát gừng nhưng mắt vẫn chăm chú dõi theo chiếc phao thoắt nổi thoắt chìm dưới nước.
Bài, ảnh: Trần Anh
Câu cá là thú tiêu khiển lành mạnh nhưng chọn điểm buông câu đánh cược với mạng sống của mình thì chẳng nên chút nào. Với những đứa trẻ, câu cá bên “miệng hà bá” khó tránh khỏi tai nạn đuối nước. |
Bình luận (0)