Bạo lực học đường thời gian qua được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông và nhận được sự quan tâm của những người làm công tác giáo dục. Nhưng dường như bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng tăng lên ở nhiều độ tuổi, nhiều môi trường khác nhau với nhiều nguyên nhân được viện dẫn. Trong bài viết này, tôi mạn phép nêu và khơi gợi một điểm nhỏ cần có mà về lâu dài có thể giải quyết một phần của vấn đề. Đối tượng góp phần đó là ban đại diện cha mẹ học sinh.
Thứ tư vừa qua, phụ huynh A. mang đứa con bầm dập vào trường (hậu quả của vụ đánh nhau trước cổng trường), trên tay là tờ đơn dự định thưa lên công an. Qua nhiều luồng thông tin, giám thị nắm rõ tình hình và đã gặp hiệu trưởng trình bày sự việc. Sau khi bàn bạc với lãnh đạo trường, giám thị đã cho phụ huynh A. gặp gỡ trao đổi cụ thể hướng giải quyết “nhẹ nhàng”. Một cuộc thương lượng diễn ra và đã hóa giải sự tức giận của phụ huynh. Khi phụ huynh của hai học sinh đánh nhau ngồi lại có sự tham gia của nhà trường, phụ huynh A. không còn nóng nảy mà nhẹ nhàng trình bày lại sự việc, nguyên nhân gây ra, lỗi tại học sinh nào trước… Cuối cùng phụ huynh A. nói: “Tiền khám chữa vết thương của con tôi mất 5 triệu đồng, đúng ra anh (phụ huynh kia) phải chi trả, đồng thời nếu tôi đưa đơn lên công an thì gia đình anh sẽ rất khó khăn, nhưng muốn bảo vệ danh tiếng cho nhà trường và không muốn con cái bị xã hội nhìn bằng ánh mắt kỳ thị nên tôi cho qua và mong anh rút kinh nghiệm quan tâm tới con cái nhiều hơn”. Sau đó, phụ huynh A. còn thay mặt nhà trường “giảng” cho phụ huynh kia một bài học về giáo dục con cái (vì phụ huynh A. là đại diện của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 8).
Theo tôi, đây là trường hợp thể hiện một nghệ thuật và khoa học sư phạm về giao tiếp và nghiệp vụ giải quyết sự cố tuyệt vời. Xử lý như trường hợp trên là điều đáng khích lệ vì giảm bất hòa giữa các học sinh, còn hai gia đình không phải đối diện nhau nơi cơ quan pháp lý. Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi và đi sau sự việc đã xảy ra rồi. Theo tôi, ban đại diện cha mẹ học sinh cần biết rõ hoàn cảnh từng em, từng gia đình; biết sức học, tính cách từng học sinh… thì sẽ ngăn ngừa được nhiều sự cố của lứa tuổi học trò, có thêm nhiều biện pháp và tư vấn cho nhà trường để cùng giáo dục học sinh.
Y.HÂN (TP.HCM)
Bình luận (0)