Tinh thần tự học, sự cần cù chịu khó, phấn đấu theo đuổi đam mê… là chia sẻ của 5 gương học sinh giỏi, đại diện cho gần 800 em được Sở GD-ĐT TP.HCM tuyên dương và khen thưởng sáng nay (18-7) tại Hội trường Thành phố.
Nguyễn Minh Phong (lớp 12CH1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong): Không đi học thêm vẫn… học giỏi
Phong có thành học tập thật đáng nể: đạt danh hiệu học sinh giỏi (HSG) 12 năm liền; hạng nhất lớp 3 năm THPT, giải nhất HSG cấp thành phố môn hóa năm học 2016-2017, giải ba HSG cấp quốc gia môn hóa năm học 2016-2017, giải nhất HSG cấp thành phố môn hóa năm học 2017-2018, giải nhất HSG cấp quốc gia môn hóa năm học 2017-2018, giải nhất kì thi giải toán trên máy tính cầm tay Casio thành phố môn hóa năm học 2017-2018…
Phong “phải lòng” với môn hóa học từ năm lớp 8. Em cho biết bản thân bị cuốn hút bởi những nguyên tố, những mô hình cấu trúc chất và các phản ứng hóa học diệu kì. Hơn hết, hóa học cung cấp những thông tin vô cùng hữu ích để ứng dụng vào đời sống, giải thích được những hiện tượng xảy ra xung quanh. “Học tốt hóa học chưa bao giờ là dễ dàng. Hóa học không chỉ đòi hỏi tư duy mà còn cả sự kiên trì, nhẫn nại. Bên cạnh việc tập trung nghe thầy cô giảng bài, tự học và tự ôn tập đóng vai trò chính, em luôn có một quyển tập dùng để ghi chú những điều cần lưu ý, nhất là những tính chất đặc biệt của chất, những phản ứng hóa học mới và cả những phản ứng dù quen thuộc nhưng có ứng dụng thường xuyên. Việc ôn tập lại bài học là cần thiết. Em hay hệ thống lại kiến thức bằng việc lập các bảng so sánh giữa những điểm chung và khác biệt của các nhóm chất có tính chất gần giống nhau để tránh xảy ra nhầm lẫn. Ngoài ra, em rất hay đọc các sách. Việc đọc sách rất quan trọng đối với người tự học, nhất là khi em không có học thêm, sách đã trở thành niềm vui thú lớn nhất của em. Tuy nhiên, đọc sách cần có sự chọn lọc”, Phong chia sẻ.
Dù có thành tích học tập “khủng” nhưng suốt 3 năm THPT, Phong không hề đi học thêm. Nhà không thuộc diện khá giả, em đi học bằng xe buýt, mỗi ngày bắt 2 tuyến xe dài… hơn 1 tiếng rưỡi từ Q.9 đến trường, khoảng thời gian này được Phong dùng để đọc sách và hệ thống lại kiến thức. Được tuyển thẳng vào các trường Y dược, Bách khoa, Sư phạm nhưng Phong chọn con đường sư phạm, một phần vì nhà nghèo, một phần em muốn được đi chuyên sâu về hóa học, nhất là hóa hữu cơ. “Em mong có thể truyền đạt kiến thức và đem đến niềm vui thú trong việc học hóa cho lớp đàn em sau này. Em sẽ cố gắng phấn đấu được du học ở các nước hiện đại về công nghệ để mở mang thêm tri thức”, Phong chia sẻ.
Nguyễn Minh Triết (lớp 9/2, Trường THCS Lê Anh Xuân, Q.11): Đam mê sáng tạo, lập trình
Nguyễn Minh Triết (thứ hai, bên phải) đoạt cúp vàng tại cuộc thi Robotacon quốc tế ở Malaysia |
Có sở thích lắp ráp và lập trình, Triết đã theo học tại một trung tâm STEM vào năm lớp 8. Theo Triết, bộ môn này giúp bản thân tăng tư duy sáng tạo, ngôn ngữ lập trình, khả năng lắp ráp, tính chính xác trong kiến thức bộ môn toán, lý. “Một khi đã đam mê rồi thì sẽ cực kỳ cảm thấy phấn khích và hứng thú khi hoàn thành được một con robot theo ý mình”, Triết nói.
Trải qua 2 vòng thi Robotacon cấp thành phố và quốc gia, mỗi cuộc thi thiết kế một con robot với một nhiệm vụ khác nhau, Triết đã giành vé đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Robotacon quốc tế tại Malaysia vào tháng 8-2017. Vượt lên nỗi e sợ ban đầu khi lần đầu tiên tham gia cuộc thi tầm cỡ quốc tế, đội của Triết đã vượt qua các bạn đến từ 17 quốc gia trong nhiệm vụ thiết kế 1 con robot chơi bóng chuyền để đoạt chiếc HCV xứng đáng. “Lắp ráp 1 con robot, khó nhất là sáng tạo và lập trình bởi đòi hỏi phải có độ chính xác cao mới có thể hoạt động được”, Triết bật mí.
Ngoài HCV quốc tế Robotacon, Triết còn đạt giải ba HSG cấp quận môn sinh học, giải ba cấp thành phố cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật năm lớp 9. Trong kỳ tuyển sinh lớp 10 vừa qua, Triết đậu vào Trường THPT Trần Khai Nguyên với số điểm 33,5. Triết hy vọng, trong môi trường THPT, em sẽ tiếp tục có thể phát huy thế mạnh của bản thân trong đam mê sáng tạo, lập trình.
Phạm Hoàng Ân (lớp 12A2) và Huỳnh Thị Thanh Tâm (lớp 11A1) – Trường THPT Long Thới: Bào chế thuốc phòng ngừa bệnh ung thư
Phạm Hoàng Ân và Huỳnh Thị Thanh Tâm (thứ nhất và thứ hai bên trái) |
Ân và Tâm đoạt giải ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia với đề tài nghiên cứu tác dụng của lá cây trâm bột tạo thành thuốc và trà túi lọc, có tác dụng cao trong việc chống ôxy hóa và phòng ngừa ung thư. Theo Ân và Tâm, tại huyện Nhà Bè, cây trâm bột mọc rất nhiều, thường dùng trong bài thuốc dân gian chữa bệnh đau bụng. Với mong muốn tìm hiểu thêm nhiều tác dụng của lá cây này để có thể đưa vào trong cuộc sống, hai em đã bắt tay vào thực hiện đề tài trên.
“Trên thế giới chưa có một nghiên cứu hóa học nào về loại cây này. Điều này đặt ra thêm nhiều thách thức cho chúng em trong quá trình nghiên cứu vì ít thông tin”, Tâm cho biết.
Lá cây trâm bột sau khi được phơi khô sẽ được xay ra và tách chiết. Kết quả cho thấy trong một vài phân đoạn tách chiết của lá có nhiều tác dụng đặc biệt là tác dụng kháng ôxy hóa, kháng khuẩn, kháng ung thư cổ tử cung, ung thư vú. Tính gây độc không cao nếu sử dụng trong một liều lượng hợp lý sẽ không có tác dụng phụ. Hai em hy vọng có thể mở ra nhiều hướng nghiên cứu cho loại cây này để góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu mới cho dược học. Đề tài đã được Viện Pasteur TP.HCM hỗ trợ về mặt nghiên cứu và được sang Anh tham dự hội thảo về chủng khuẩn kháng sinh. “Khó khăn nhất là kinh phí, chúng em hoàn toàn tự túc trong khi đó đề tài rất rộng. Dù ở ngoại thành nhưng để nghiên cứu đề tài, chúng em tận dụng những khoảng thời gian rảnh vào buổi trưa bắt xe buýt lên Trường ĐH KHTN TP.HCM xin mượn phòng thí nghiệm. Quá trình thực hiện đòi hỏi sự chính xác cao, chỉ cần một chút sơ suất là phải làm lại”, Tâm cho hay.
Đồng hành cùng nhóm nghiên cứu, cô Nguyễn Ngọc Vân Anh (giáo viên bộ môn hóa học, Trường THPT Long Thới) cho biết: “Hai em làm rất tuyệt vời. Đề tài hoàn toàn mới cũng đặt ra thách thức lớn cho các em, tìm tài liệu không hề có, hoàn toàn tự tìm tòi, phán đoán. Là học sinh ngoại thành, việc vào trung tâm thành phố nghiên cứu, mượn phòng thí nghiệm rất vất vả trong quá trình đi lại nhưng các em không hề nản. Tinh thần lao động khoa học và trách nhiệm ở các em rất lớn”.
Phan Nguyễn Bích Ngọc (lớp 11CV1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong): Giải nhất môn văn cấp quốc gia
Để học tốt môn văn, theo Ngọc, trước hết cần phải có tình yêu với môn văn; đọc thật nhiều sách từ đó học hỏi cách tư duy, cách cảm thụ của tác giả qua các tác phẩm đã đọc để hình thành cho bản thân khả năng tự phân tích. Nhưng không chỉ giới hạn trong các sách về văn học mà còn mở rộng ra các ngành học khác như sử, địa hay các sách tự nhiên vì học văn rất cần tư duy logic.
Bên cạnh đó, Ngọc cho biết em còn tiếp thu thêm những nguồn tư liệu khác từ đời sống để học thêm những kiến thức trong sách vở không có. Không những thế, bản thân phải có chính kiến và lập luận riêng biệt, không để cách nhìn của người khác áp đặt “định kiến” lên mình. “Môn văn cho em cách cảm nhận mọi việc sâu sắc hơn, nhìn mọi thứ ở góc độ đa chiều, không vội vàng đánh giá hay xét đoán dẫn đến hiểu lầm không nên có do sai lệch thông tin. Học văn cũng giúp em hiểu thêm về mọi người xung quanh một cách tinh tế hơn cũng như hiểu mỗi người là một bản thể đặc biệt để sẵn sàng chấp nhận cá tính của nhau”, Ngọc chia sẻ.
Yến Hoa
Bình luận (0)