Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lương chưa “thương” nhà giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Sau giờ lên lớp, cô giáo Lều Thị Tuyết – Trường Tiểu học Tân Hội A (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội) lại tranh thủ làm nghề phụ và việc đồng áng để có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Chi tiêu dè xẻn

Ở tuổi ngoài 40, nhưng trông cô Lều Thị Tuyết già dặn hơn nhiều so với tuổi của mình, nước da đen xạm, khuôn mặt xương gày khắc khổ đầy suy tư của một phụ nữ từng trải, vất vả đường đời.
 
Ngoài việc dạy trên lớp, cô Tuyết làm thêm bột sắn, trồng lúa để có chút thu nhập. Ảnh: Q.H
Dạy học từ năm 1988, những tưởng cuộc sống sẽ bớt khó khăn khi cô Tuyết lập gia đình, nhưng lấy chồng được vài năm, chồng cô bị mất việc do công ty giải thể, bôn ba đủ nghề nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh thất nghiệp. Đến năm 2000, chồng lại bị bệnh ung thư, chữa chạy tốn kém nhưng vô vọng. 2 năm sau chồng cô mất, để lại 2 đứa con thơ, cô chị 13 tuổi, cậu em 9 tuổi. Từ đó, mọi việc gia đình một mình cô cáng đáng.
Giờ đây, các con đều đã lớn nhưng cuộc sống thì thêm phần vất vả bởi lo toan cho 2 con ăn học tốn kém hơn trước nhiều. Cô Tuyết cho biết, sau 22 năm dạy học, mức lương hiện nay là 3,4 triệu đồng/tháng.
Ở nông thôn, lương như vậy không thấp, nhưng so với mọi khoản chi tiêu ngày càng tăng thì quả thực, lương chẳng thấm vào đâu. Xoay sở đủ bề mới lo được cho con cái ăn học, chi tiêu tằn tiện mà vẫn không đủ. Hàng tháng, lĩnh lương rồi mới "hoạch định" kế hoạch chi tiêu. Mỗi lần đi chợ là một lần đắn đo. Bữa cơm gia đình chủ yếu là rau, thêm ít đậu phụ, lạc rang. Thịt, cá thỉnh thoảng cũng mua, nhưng chỉ chọn loại rẻ tiền.
Mặc dù học cách nhà 25km, nhưng cả con gái lớn (sinh viên năm 4, ĐH Bách khoa Hà Nội) lẫn cậu em (lớp 12 THPT Chuyên – ĐH Sư phạm Hà Nội) không thuê nhà trọ, mà hàng ngày đạp xe ra thị trấn huyện, rồi gửi xe, đi xe bus tới trường. Ăn cơm quán tốn kém, nên hôm nào học cả ngày, hoặc trưa về muộn, các em đều dậy sớm nấu cơm hộp mang đến trường ăn.
Biết mẹ có ý định mua điện thoại di động cho, các em đều từ chối. Tiết kiệm là vậy, nhưng cô Tuyết nhẩm tính: "Tiền học phí, sách vở, quần áo… mỗi tháng cũng ngót ngét 3 triệu đồng/2 con ăn học. Ngoài ra, tiền điện, điện thoại… ở nhà cũng đến 600.000 đồng/tháng".
Nhà ở gần trường nên cô Tuyết đạp xe đi dạy, không dùng điện thoại di động vì sợ tốn thêm khoản tiền. Theo cô, điện thoại di động cần nhưng có thể "nhịn" được, khoản chi tiêu cho quần áo cũng thế, hiếm khi có bộ mới. Bớt được nhiều khoản so với người khác, nhưng cô Tuyết cho biết, rất tốn kém khoản "phong bì". Ở trường thì đám cưới, ma chay, thăm người ốm… về nhà thì cũng đi anh em họ hàng, làng xóm. Dù không thống kê được, nhưng đó lại là một khoản tiền kha khá hàng tháng. Khoản tiền này càng nhiều thì mức chi tiêu tháng đó càng ít đi.
Cô Tuyết tâm sự: "Hoàn cảnh khó khăn, nên tiết kiệm hết mức, chỉ dùng những cái tối thiểu. Tận dụng củi, rơm rạ để đun nấu. Những vật dụng đắt tiền như nồi cơm điện, quạt, bồn chứa nước sinh hoạt… phải cố vay mượn để mua, vì đó là những thứ thực sự cần thiết. Thường xuyên tháng nào cũng phải vay tiền của người thân, cuối tháng lĩnh lương bù lại, hoặc trả dần".
Bận vẫn phải làm thêm
Cô Tuyết bảo: "Bây giờ dạy học bận hơn trước rất nhiều. Một tuần dạy 24 tiết, đi dạy cả ngày, tối về cũng phải mất vài giờ soạn bài, chấm bài. Ngày thứ Bảy đi họp, dự chuyên đề tại trường, Chủ nhật được nghỉ nhưng cũng phải ở nhà để chuẩn bị bài vở cho ngày thứ Hai. Để có thêm khoản phụ cho đủ chi tiêu, ngoài giờ lên lớp, soạn bài phải tranh thủ làm bột sắn dây để bán".
Cô Tuyết chia sẻ, công đoạn làm bột sắn dây rất vất vả, tốn nhiều thời gian. Sau khi thu mua củ sắn dây về phải rửa sạch, nghiền củ, rồi mới tiến hành lọc, ngâm, gạn lấy bột trắng sau đó mới sấy hoặc phơi khô. Nhiều hôm làm đến 12h đêm, xong rồi đến 2-3h sáng đã phải dậy để lọc bột sắn cho đến tận sáng. Vất vả là vậy, nhưng cô Tuyết không thể không làm vì mỗi tháng có thêm vài trăm nghìn đồng.
Cũng như một số giáo viên khác trong trường, cô Lều Thị Tuyết làm thêm nghề nông với 2 sào lúa. Theo cô, công việc đồng áng này chỉ bận vào mùa cấy và thu hoạch. Chi phí cho việc trồng lúa cũng khá tốn kém như: thuê cày bừa, mua phân đạm, phun thuốc… nên 2 sào lúa của gia đình khi thu hoạch cũng chỉ đủ dùng trong nhà.
Bà Hoàng Thị La, mẹ đẻ cô Tuyết chia sẻ: "Đời sống con gái và các cháu quả thực rất vất vả. Trông chờ vào đồng lương thì không đủ chi tiêu, mà làm thêm nghề phụ thì quá vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao. Hằng ngày chi tiêu dè xẻn, ăn uống đạm bạc, rau dưa, muối vừng triền miên ấy vậy mà vẫn phải đi vay mượn thêm. Biết hoàn cảnh khó khăn, nên anh em họ hàng cũng hỗ trợ làm hộ việc nhà, cho tiền đóng học cho các cháu… Nhà cửa dột, mốc mấy năm nay, đợt vừa rồi anh em, họ hàng tới giúp thay ngói, vôi ve lại…”.
 
"Dù lương có tăng, nhưng so với lần tăng lương trước thì đời sống của giáo viên khó khăn hơn. Giá cả đã tăng vài lần, học phí cho các con cũng tăng, nên chi tiêu phải tính toán. Sống thiếu thốn nên cũng quen, chấp nhận bởi có lo nghĩ cũng chẳng khá hơn.
Con cái cũng biết thân biết phận, mẹ đã dành điều kiện hết mức trong khả năng, nên các cháu rất thương mẹ, cố gắng học tập và có kết quả học tốt. Giờ tôi cũng chỉ biết lấy đó làm niềm an ủi, động viên để yên tâm lên lớp, sống lạc quan hơn…".
Cô giáo Lều Thị Tuyết
"Lương nhà giáo thấp đã đành nhưng chúng tôi là những công chức viên chức nhà nước thì sao? Tôi có 10 năm công tác, 4 lần được lên lương (3 năm lên một lần) mà lương chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng.
Chúng tôi nuôi 2 con ăn học, chồng cũng làm nhà nước. Nghĩ nhiều lúc muốn bỏ việc ra làm ngoài, nhưng làm kinh doanh, vốn liếng không có. Tôi chỉ mong Nhà nước, Quốc hội sớm tìm ra giải pháp để những cán bộ, công chức như chúng tôi có được cuộc sống ổn định, yên tâm công tác".  
Phan Quynh Hoa (email: hoatram09@yahoo.com.vn)
"Tôi cũng là giáo viên giảng dạy môn âm nhạc nên tôi rất bức xúc về lương bổng của giáo viên. Với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, quả thật chỉ sống đủ cho bản thân, chưa nói chuyện nuôi con. Tôi cũng như nhiều người khác, muốn Bộ GD&ĐT có hướng đề xuất với Quốc hội để trình Chính phủ xem xét về vấn đề lương bổng".  Hoang Thi
Thu Trang (email:thainhutrang7979@yahoo.com.vn)
"Là một giáo viên ra trường đã 10 năm, nhưng tiền lương hiện nay tôi thực nhận hàng tháng chỉ có 2,7 triệu đồng. Tôi cũng phải nuôi 2 con ăn học. Cứ cuối tháng, tôi phải vay mượn để chi tiêu trong gia đình. Là một nhà giáo – một nghề mà xã hội đánh giá là cao quý nhưng tôi chẳng bao giờ dám nghĩ là mình có đủ tiền để mua một mảnh đất nho nhỏ và làm một ngôi nhà cho gia đình mình. Tôi luôn tự đặt câu hỏi: Với số tiền lương đó, tương lai con mình sẽ như thế nào đây? Chất lượng giáo dục sẽ như thế nào khi giáo viên vừa đi dạy, vừa phải làm thêm?".
Nguyễn Thị Thảo (email: minh123@gmail.com)
Hà Mỹ (tổng hợp)
Quang Huy/ Gia Dinh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)