Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lương còn bị “nợ”, nói chi đến thưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi các ngành khác nô nức với thưởng tết thì chuyện cán bộ, giáo viên (GV) trong ngành giáo dục nhận 50.000 – 100.000 đồng ăn tết là chuyện “thường ngày ở huyện” vì ngân sách địa phương không có khoản chi này. Thậm chí, có đến 2/3 các địa phương vẫn còn “nợ” lương, phụ cấp đối với GV. Ông Trịnh Thăng Mạnh, Trưởng ban Chính sách xã hội, Công đoàn giáo dục Việt Nam cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.
Nơi 30.000 đồng, nơi chục triệu đồng
* PV: Cuối năm, trong khi cán bộ công nhân viên các ngành khác nô nức với thưởng tết thì phần lớn bộ phận GV, đặc biệt là GV mầm non, tiểu học… chỉ được lĩnh một khoản “tượng trưng”, có nơi GV được thưởng tết 30.000 đồng. Ông nghĩ sao về việc này?
* Ông TRỊNH THĂNG MẠNH: Hiện nay, lực lượng GV của cả nước chia thành 4 nhóm: GV mầm non do phòng giáo dục huyện, quận quản lý; đối với giáo dục phổ thông gồm có GV tiểu học, THCS, THPT; GV tại các trường trung cấp chuyên nghiệp và giảng viên các trường ĐH, CĐ. Ngoài chính sách chung của Nhà nước thì việc thưởng tết cho GV phụ thuộc vào ngân sách của địa phương và đơn vị (ngân sách không có khoản chi cho thưởng tết).
Do đặc thù này nên thưởng tết của nhiều GV rất thấp, đặc biệt là GV mầm non và tiểu học. Ở thành thị, học sinh theo học đông thì các trường có nguồn để thưởng tết cho GV 300.000 – 500.000 đồng nhưng ở nông thôn, miền núi chỉ có 50.000 – 100.000 đồng. Tùy địa phương hỗ trợ được đến đâu thì các GV có khoản thưởng tết đến đó, chứ không bắt buộc.
Nói chung là bậc học phổ thông rất khó khăn trong việc lo tết cho anh em, hầu như không đáng kể. Riêng các trường TCCN, ĐH, CĐ có nguồn thu lớn, lại có quyền tự chủ cao hơn nên giảng viên được thưởng tết nhiều hơn, từ 2 triệu – 8 triệu đồng, có trường cả chục triệu đồng (gấp cả chục lần so với GV phổ thông, chỉ từ 200.000 – 800.000 đồng).
Bao giờ giáo viên sống được bằng đồng lương của mình? Ảnh: MAI HẢI
* Như ông vừa nói, lương và thưởng của GV phổ thông rất thấp; ngành giáo dục cũng đã có nhiều cuộc vận động hỗ trợ đời sống giáo viên. Vậy, công đoàn giáo dục đã làm những gì để giảm bớt những khó khăn cho GV?
* Công đoàn giáo dục không thể lo được về mặt đời sống đối với GV toàn ngành. Thu nhập của GV phụ thuộc hoàn toàn ngân sách của địa phương và tình hình quản lý của trường. Tổ chức công đoàn chỉ tham gia với chính quyền để giải quyết đời sống cho GV, bảo vệ lợi ích chính đáng của GV. Hiện công đoàn mới chỉ quan tâm và hỗ trợ được một nhóm đối tượng, đó là những GV ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Trong 10 năm qua, cuộc vận động trong ngành đã thu được trên 130 tỷ đồng, giải quyết được nhà ở cho 3,3 vạn GV. Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã đồng ý đưa nội dung xây nhà công vụ vào Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học với mục tiêu xây dựng 1,6 triệu m2 nhà từ nay đến năm 2012.
* Nhưng thực tế phản ánh từ nhiều địa phương cũng cho thấy, đời sống GV khó khăn cũng một phần do các địa phương “nợ” lương, phụ cấp của GV quá nhiều?
* Khảo sát của công đoàn giáo dục cho thấy, đúng là hiện nay nhiều chính sách đối với GV không được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, các khoản phụ cấp ưu đãi thường “được” các địa phương “nợ” GV nhiều nhất. Theo tính toán của chúng tôi, một GV THCS có thâm niên giảng dạy 20 năm ở vùng khó khăn, nếu được lĩnh đủ lương và các khoản phụ cấp ưu đãi thì thu nhập có thể lên tới 5-5,5 triệu đồng/tháng. Hiện có đến 2/3 các địa phương đang “nợ” lương, phụ cấp của GV do không có đủ ngân sách. Điển hình, một số địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị nợ hàng trăm tỷ đồng lương, phụ cấp GV…

Thang bảng lương cho GV mầm non ngoài biên chế
* Với thực trạng như vậy, chuyện lương, thưởng tết của GV không có lối thoát nào khả thi hay sao, thưa ông? Công đoàn đã bảo vệ quyền lợi người lao động như thế nào trong trường hợp họ bị “nợ” lương, thưởng như nêu trên?
* Trong hệ thống công đoàn thì chúng tôi có ý kiến đề xuất với Tổng Liên đoàn để có chỉ đạo đối với công đoàn ở các địa phương. Chúng tôi cũng đã “kêu” trực tiếp với ngành để ngành báo cáo Chính phủ và yêu cầu các Sở GD-ĐT “đấu tranh” với địa phương để trả lời câu hỏi bao giờ trả đủ lương, phụ cấp cho GV. Thực ra, chính sách của Nhà nước đối với GV được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời đã tốt lắm rồi. Công đoàn cũng thành lập quỹ xã hội từ thiện để trợ giúp những GV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng của thiên tai…
* Như ông vừa nói ở trên, GV mầm non là đối tượng có thu nhập thấp nhất trong ngành. Đó có phải là sự bất cập và không công bằng không, trong khi mục tiêu của ngành là chuẩn bị thực hiện phổ cập mầm non đối với trẻ 5 tuổi?
* Hiện nay có 17 vạn GV mầm non, trong đó có 9 vạn GV ngoài biên chế (chiếm gần 55%); riêng các tỉnh miền Nam, tỷ lệ GV trong biên chế lên tới 95%, trong khi ở phía Bắc, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều. Đối với khu vực đồng bằng, đô thị, chính sách Nhà nước chỉ cho biên chế khung trong trường mầm non: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và một số ít GV nòng cốt; còn lại đều là GV hợp đồng. Những bất cập trong chế độ lương là vấn đề bức xúc nhất đối với khối GV mầm non ngoài biên chế, bởi họ không được hưởng thu nhập theo thang, bảng lương của Nhà nước mà chỉ được hưởng mức lương hợp đồng (ngắn hạn và dài hạn), phổ biến từ 300.000 – 800.000 đồng/tháng.
Mặc dù quy định mức lương hợp đồng không thấp hơn mức lương tối thiểu nhưng do địa phương không có tiền, trong khi GV mầm non thừa khá nhiều nên họ vẫn chấp nhận làm với mức 300.000 – 400.000 đồng/tháng, cá biệt có tháng GV mầm non chỉ cầm về được 100.000 đồng. Thu nhập quá thấp như vậy hoàn toàn không đảm bảo cho cuộc sống ở mức tối thiểu. 
ANH NHI (SGGP)

Bình luận (0)