Lượng đường tiêu thụ tại Indonesia trong năm 2013 dự kiến sẽ tăng khoảng 12%, trong bối cảnh nước này đang có xu hướng ưa chuộng các loại đồ ăn có vị ngọt. Điều này giúp làm giảm bớt lượng đường dư thừa toàn cầu, vốn đang gây sức ép lên giá.
Suryo Alam, chủ tịch Hiệp hội các nhà máy tinh chế đường Indonesia cho biết lượng đường tiêu thụ tại nước này trong năm 2013 có thể lên tới 5,7 triệu tấn, tăng so với mức 5,1 triệu tấn năm 2012.
Ảnh minh họa. (Nguồn: mnn.com)
Hãng tin Reuters trích dẫn lời ông Alam, bên lề Hội thảo ngành công nghiệp đường tại đảo Bali (Indonesia), nói rằng "có cơ hội tăng trưởng rất lớn cho ngành công nghiệp chế biến thức ăn nhẹ. Bên cạnh đó, dân số ngày càng tăng, thu nhập bình quân trên đầu người tăng và những thay đổi trong cách sống hàng ngày cũng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng trên."
Tại quốc gia hơn 240 triệu dân này, nhiều người dân đang chuyển dần sang chế độ ăn uống giống người phương Tây, với số người ưa thích các đồ ăn ngọt như bánh rán và thức uống có ga tăng lên, và nhờ một chương trình thúc đẩy du lịch trong nước do chính phủ triển khai.
Nhu cầu về đường tăng lên sẽ giúp giảm bớt lượng đường dư thừa toàn cầu, từng đẩy giá đường xuống mức thấp ba năm qua, ở mức 15,93 xu/pound trong tháng 7/2013. Trước đó, giá đường đứng ở mức 16,61 xu/pound.
Nước nhập khẩu đường thô lớn nhất thế giới này đã từ bỏ mục tiêu tự cung tự cấp đường trắng vào năm 2014, khi đang phải nỗ lực đẩy mạnh sản xuất đường do gặp khó khăn về giấy phép sử dụng đất, cạnh tranh về đất và thiếu đầu tư.
Một quan chức thuộc Hiệp hội đường Indonesia cho biết nhập khẩu đường thô ước tính tăng hơn gấp hai lần lên 5,4 triệu tấn trong năm 2013, tăng so với mức 2,5 triệu tấn năm 2012, sau khi mưa lớn gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng mía. Tuy nhiên, ông này cho rằng ước tính trên có lẽ quá cao, mặc dù nhu cầu tăng sẽ thúc đẩy nhập khẩu.
Các quốc gia Đông Nam Á, tiêu thụ khoảng 3% sản lượng đường toàn cầu, đang phải nhập khẩu đường thô từ Brazil, Thái Lan và Australia./.
Minh Hằng (TTXVN)
Bình luận (0)