Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lương giáo viên hợp đồng: Thấp đến vô lý!

Tạp Chí Giáo Dục

 Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm học 2010-2011, lương của giáo viên hợp đồng có nơi chỉ được hơn 600 nghìn đồng/người/tháng. Để trang trải chi tiêu mỗi ngày, không ít người phải bươn chải làm thêm bằng nhiều nghề khác nhau, thậm chí là công việc lao động chân tay mệt nhọc…
Nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu giáo viên. Ảnh: Minh Trường
Được lương thấp đã là… may!
Trong thời buổi “gạo châu, củi quế”, thật khó tưởng tượng có người chấp nhận đi làm với mức lương tháng chỉ 1 triệu đồng. Nhưng điều đó lại là phổ biến đối với giáo viên hợp đồng ở huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam).
Nguyễn Đinh Gia Cương là một trong những giáo viên hợp đồng như thế. Tốt nghiệp hệ trung cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, năm 2009 Cương được nhận vào làm giáo viên hợp đồng ở Trường Tiểu học Duy Minh với mức lương 1 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi trừ bảo hiểm, thầy Cương chỉ còn 915 nghìn đồng mang về. Khoản thu nhập hạn hẹp đó khiến người giáo viên trẻ này gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. “Chỉ tính riêng chi phí đi lại, liên lạc và các loại chi phí lặt vặt khác đã hết quá nửa số tiền ấy rồi. May là tôi ở cùng bố mẹ nên không phải lo tiền ăn, ở”, thầy Cương nói.
Chung hoàn cảnh với thầy Cương là cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Cũng là giáo viên hợp đồng ở Trường Tiểu học Duy Minh, cũng có mức thu nhập mỗi tháng 915 nghìn đồng, nhưng cô Tuyền phải tính toán nhiều hơn trong việc chi tiêu, bởi còn phải lo thêm khoản chi phí học liên thông lên cao đẳng.
Thấp đến vô lý như vậy, nhưng hơn 900 nghìn đồng mỗi tháng của thầy Cương, cô Tuyền vẫn còn là… khá so với mức lương của giáo viên hợp đồng ở nơi khác.
Thầy Trần Đình Thùy nguyên là giáo viên hợp đồng tại Trường Tiểu học Đinh Xá (Bình Lục, Hà Nam), mức thu nhập từ việc đi dạy học mỗi tháng chỉ được 730 nghìn đồng. Nếu trừ tiền bảo hiểm, mỗi tháng thầy Thùy chỉ còn hơn 600 nghìn đồng. “Nhưng như thế cũng đã là may mắn lắm rồi. Tôi chỉ được ký hợp đồng có một năm học trước thôi. Năm học tới có lẽ không được ký hợp đồng tiếp. Tôi biết có thầy, cô dạy hợp đồng tới cả chục năm rồi mà vẫn không được ký tiếp hợp đồng”, thầy Thùy tiếc rẻ.
Cả thầy Cương, cô Tuyền cùng chia sẻ quan điểm với thầy Thùy, rằng dù lương thấp nhưng được đi dạy học đã là may mắn lớn. Nhiều người tốt nghiệp sư phạm mà không xin được việc, đành phải đi kiếm việc khác. Nguyễn Tiến Dũng là ví dụ điển hình trong trường hợp này.
Tự nhận mình không may mắn bằng các bạn, Dũng đành tạm gác lại giấc mơ làm thầy giáo, dẫu chỉ là thầy giáo hợp đồng, để đầu quân cho một doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi trong Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam). Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, dù không liên quan tới lĩnh vực sản xuất, nhưng Dũng vẫn được chủ doanh nghiệp ưu ái cho làm cán bộ kiểm kho, với mức lương thử việc là 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Khoản thu nhập thử việc ấy cao gấp gần 3 lần mức lương giáo viên hợp đồng, nhưng Dũng vẫn ao ước được đứng chân trên bục giảng. “Nếu không được đi dạy học, em thấy phí công học lắm”, Dũng chia sẻ. Bởi vậy, Dũng đặt mục tiêu 2 năm nữa sẽ có được “may mắn” làm giáo viên hợp đồng như các bạn đồng môn…
Sợ nhất 3 tháng hè
Với giáo viên trong biên chế, 3 tháng hè là khoảng thời gian quý báu được nghỉ ngơi, thư thái đầu óc để chuẩn bị cho năm học mới. Nhưng đó lại là khoảng thời gian không mong muốn nhất của giáo viên hợp đồng. Hầu hết giáo viên hợp đồng chỉ được ký hợp đồng theo năm học 9 tháng. Như vậy, họ không có lương trong suốt 3 tháng hè. Ấy là chưa kể, chưa biết sau kỳ nghỉ hè, họ có còn may mắn được ký tiếp hợp đồng cho năm học mới hay không. Bởi thế, hầu hết giáo viên hợp đồng phải tìm việc làm theo mùa vụ để chủ động nguồn thu nhập.
Chưa nghỉ hè, thầy Thao (Trường Tiểu học Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam) đã lo liên hệ với bạn bè ở Hà Nội để tìm “mối” làm thợ mộc, thợ sơn, hoặc thợ sửa chữa điện trong thời gian nghỉ dạy. “Tuy công việc nặng nhọc, nhưng bù lại, mức thù lao cũng tương đối khá. Mỗi ngày công thợ, tôi được trả 120 nghìn đồng”, thầy Thao nói.
Không đi Hà Nội kiếm việc như thầy Thao, thầy Thùy bằng lòng với công việc làm ruộng ở nhà và đi dạy võ để thêm thắt vào khoản thu nhập eo hẹp của gia đình. Thầy Thùy cũng có vợ là giáo viên hợp đồng, thu nhập từ việc đi dạy không thể đủ cho việc chi tiêu, đặc biệt là khi họ đang phải nuôi con nhỏ. Bởi vậy, ngoài làm ruộng và dạy võ, thầy Thùy còn phải “quay như chong chóng” với nhiều công việc kiếm tiền vặt vãnh khác.
Không chỉ 3 tháng hè, mà trong suốt 9 tháng có thu nhập từ dạy học, các thầy, cô giáo hợp đồng cũng vẫn phải làm thêm cật lực để bù đắp cho những khoản chi phí sinh hoạt càng ngày càng đắt đỏ. Say mê với nghề, những thầy, cô này đang vắt kiệt sức mình để lấy nghề phụ nuôi nghề chính.
Nơi ở cho cô Hà Thị Ti, giáo viên hợp đồng của huyện vùng cao Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ảnh Internet

Xảy ra tình trạng giáo sinh ra trường không xin được việc làm đúng ngành, hay phải chấp nhận làm giáo viên hợp đồng trong khi chờ đợi được sắp xếp biên chế là điều không mong muốn của bất kỳ ai. Để hạn chế điều không mong muốn ấy, về lâu dài, trách nhiệm nên được gắn với các trường sư phạm. Trước khi lên phương án tuyển sinh, các trường sư phạm cần nghiêm túc nghiên cứu nhu cầu về nguồn nhân lực giáo viên trên thực tế để có đề xuất chỉ tiêu hợp lý. Tuyển sinh đúng, tuyển sinh đủ không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo sinh đầu vào, đầu ra, mà còn là phương pháp tối ưu ngăn chặn tình trạng thất nghiệp của giáo sinh sau khi ra trường. Như thế, uy tín của chính các trường sư phạm cũng được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, các giáo sinh ra trường cũng cần năng động hơn trong việc tìm kiếm thông tin việc làm. Một thực tế đang tồn tại hiện nay là ở các vùng sâu, vùng xa rất thiếu giáo viên đứng lớp. Giáo viên hợp đồng hoặc người học chuyên ngành sư phạm chưa xin được việc có thể liên hệ với những địa phương này để tìm thêm cơ hội.
Còn giáo viên hợp đồng, nghĩa là còn nhu cầu về nguồn nhân lực giáo viên. Trong lúc giáo viên hợp đồng chờ được sắp xếp biên chế, các cơ quan chức năng có thể đề xuất giải pháp ký hợp đồng dài hạn với những người đã được ký hợp đồng 1 năm và có khả năng chuyên môn tốt. Trước mắt, nên có chính sách để thu hẹp sự phân biệt giữa giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng. Cụ thể, ngoài tiền lương thỏa thuận, giáo viên hợp đồng cũng cần được hưởng mọi chế độ phụ cấp khác như giáo viên biên chế. Những sự quan tâm thiết thực ấy sẽ là nguồn động lực quý báu giúp giáo viên hợp đồng nuôi dưỡng niềm đam mê nghề nghiệp.
Thêm một mùa hè. Thêm một mùa lo toan cho các giáo viên hợp đồng. Không biết đến bao giờ “gánh lo” của họ bớt nặng?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm học 2010-2011, cả nước có khoảng 359.700 giáo viên tiểu học, 313.100 giáo viên trung học cơ sở và 147.600 giáo viên trung học phổ thông. Đối chiếu với quy định về tỷ lệ giáo viên/lớp, cả nước còn thiếu khoảng 48.000 giáo viên tiểu học (để bảo đảm dạy 2 buổi/ngày) và 4.500 giáo viên trung học phổ thông. Riêng giáo viên trung học cơ sở hiện đang thừa tương đối nhiều so với định mức về tỷ lệ giáo viên/lớp học.
 Theo Minh Thắng
(QĐND)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)