Việc doanh nghiệp hợp tác đào tạo với nhà trường sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học sinh – sinh viên trong vấn đề học tập và việc làm. Ảnh: Học sinh một trường TC nghề tại TP.HCM trong giờ thực hành nghề |
Kết quả điều tra trong học sinh – sinh viên do Trường CĐ Nghề TP.HCM thực hiện tháng 3-2013, công bố tại hội thảo “Hoàn thiện quy định của Luật Dạy nghề về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp hướng tới việc làm bền vững” vừa được tổ chức tại TP.HCM, cho thấy sau 6 tháng tốt nghiệp, người học thuộc nhóm ngành nghề kỹ thuật công đạt được mức lương khởi điểm cao hơn nhóm ngành kinh tế.
Cụ thể, trong số học sinh – sinh viên tốt nghiệp khóa 2009-2012 tại Trường CĐ Nghề TP.HCM, nhóm ngành cơ khí cắt gọt đạt được mức lương khởi điểm cao nhất, từ 5-7,5 triệu đồng/tháng. Kế đến, nhóm ngành điện – điện lạnh đạt 4-6,5 triệu đồng/tháng. Lần lượt các nhóm ngành điện tử, cơ khí ô tô, quản trị mạng máy tính, công nghệ thực phẩm dao động từ 3-6 triệu đồng/tháng. Nhóm ngành kinh tế thấp nhất với mức 2,5-3 triệu đồng/tháng. Đồng thời, tỷ lệ người học nhóm ngành kỹ thuật công nghệ có việc làm cũng cao hơn với 90%. Con số này đối với nhóm ngành kinh tế là 80%.
Theo TS. Nguyễn Trần Nghĩa (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM), riêng nghề cơ khí đã được trường triển khai thành công mô hình đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Cụ thể, trường hợp tác với các công ty Nhật để mỗi năm đào tạo và tuyển dụng học sinh – sinh viên nghề cơ khí cắt gọt. Theo đó, các em năm cuối được tham gia học 4 tháng tiếng Nhật, 1 tháng kỹ thuật nâng cao do chuyên gia Nhật trực tiếp giảng dạy. Bên cạnh đó, các em còn được trang bị kiến thức về an toàn lao động, tác phong làm việc… Cuối mỗi khóa, sẽ có 5 đến 10 em được chọn đi tu nghiệp 3 tháng tại Nhật (đã có 10 em đi Nhật trong khóa đầu tiên). Khi trở về, các em được làm tại các công ty Nhật hoặc công ty Nhật đầu tư ở TP.HCM.
TS. Nguyễn Trần Nghĩa cũng cho rằng, điển hình này sẽ được trường tiếp tục mở rộng sang các nhóm ngành khác, bởi thực tiễn gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp cho thấy chất lượng lẫn hiệu quả của dạy nghề tăng lên rõ rệt. Nhà trường có thông tin về nhu cầu lao động làm căn cứ đầu tư mua sắm trang thiết bị sao cho phù hợp mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo. Trong khi đó, các em học sinh – sinh viên có địa chỉ việc làm sau tốt nghiệp sẽ yên tâm và có động lực phấn đấu học tập. Giáo viên có điều kiện cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề tại thực tiễn các đơn vị sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu công nghệ…
Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp thông qua việc tham gia chấm thi tay nghề, chấm thi tốt nghiệp… cùng nhà trường sẽ đánh giá chính xác học lực, khả năng của từng em để lựa chọn tuyển dụng. Đồng thời, việc cùng tham gia đánh giá sẽ khiến doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề chung tay xây dựng bộ công cụ và phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nhà trường qua đó sẽ điều chỉnh và chuẩn bị tốt hơn các điều kiện đảm bảo chất lượng trong tương lai.
Bài, ảnh: M.Tâm
Bình luận (0)