Khảo sát lương ở doanh nghiệp của các công ty "săn đầu người" tại TP HCM vừa công bố, năm nay mặt bằng tiền công nhân viên tăng trung bình 15-19,5%, mức cao nhất trong vòng 3-5 năm qua.
Kết quả khảo sát của hai công ty đào tạo nhân lực Talentnet và Mercer cho thấy lương trên thị trường bình quân tăng 15%, được Tổng giám đốc Talentnet Tiêu Yến Trinh nhận định là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua.
Nghiên cứu lương của hai công ty chuyên tuyển dụng nhân công cho doanh nghiệp này được thực hiện với hơn 45.000 nhân viên của 193 công ty trên các lĩnh vực sản xuất, công nghệ, thương mại, dược, dầu khí, tài chính – ngân hàng, công nghệ cao, ngành hàng tiêu dùng…
Khảo sát độc lập khác của công ty Navigos – một "chuyên gia săn đầu người" tại TP HCM, cũng đem lại kết quả là mức lương 2008 tăng trung bình 19,5%, cao nhất trong vòng 5 năm. Nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn suy thoái, nhưng theo Navigos, chất xám vẫn được trọng dụng trong khi thị trường thiếu hụt trầm trọng cán bộ quản lý trung và cao cấp.
Một giám đốc công ty tại TP HCM còn tiết lộ, không ít doanh nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị đón những chuyên gia Việt kiều quay về nước từ Mỹ và châu Âu để tránh cơn bão tài chính đang hoành hành khu vực này. Các công ty "săn đầu người" cũng hy vọng lượng chất xám này sẽ khá dồi dào để trám vào chỗ thủng cán bộ quản lý cấp cao trên thị trường lao động.
Mặt bằng lương nhân viên năm 2008 tăng cao nhất trong 5 năm qua. Ảnh: P.A. |
Tuy nhiên trên thực tế nhiều người lao động vẫn cho rằng mức tăng lương hiện nay vẫn chưa đuổi kịp tốc độ lạm phát và đặc biệt là tình hình cắt giảm chi phí doanh nghiệp để đối phó khủng hoảng kinh tế. Anh Nguyễn Minh Quang, Trưởng phòng bán hàng một công ty sản xuất hàng tiêu dùng cho rằng, không so sánh với quy định lương tối thiểu của nhà nước (vì quá thấp so thu nhập của mình), mức lương nhận được mỗi tháng hiện nay của anh xấp xỉ 25 triệu đồng, tăng 5 triệu so với đầu năm. Nhưng nếu tính mức trượt của chỉ số giá cả suốt 11 tháng qua thì khoản điều chỉnh lương này vẫn không nhiều.
Anh cho rằng: "Lương nhân viên doanh nghiệp cần phải được điều chỉnh tăng cao hơn nữa, nhất là với cán bộ cấp cao, để giữ người và nhất là phù hợp với thị trường chung". Theo ước tính của anh, mức lương 10 triệu đồng một tháng hiện nay chỉ tương đương khoảng 5 triệu đồng của 5 năm trước do vật giá tăng cao.
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp đang tận dụng thời kỳ "tạm hoãn" các kế hoạch kinh doanh vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, để tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực. Giám đốc nhân sự một công ty thuộc tập đoàn thực phẩm đa quốc gia tại TP HCM cho biết, hầu hết hoạt động đầu tư, kinh doanh như các dự án, quảng cáo, chi phí, hành chính văn phòng, kể cả tiền thưởng… của công ty đều bị cắt giảm để đối phó với khủng hoảng; thì chi phí cho công tác đào tạo lại tăng cao. Tập đoàn này trong 3 tháng cuối năm cũng đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện cán bộ từ cấp trưởng phòng trở lên với chuyên gia nước ngoài, để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Giám đốc đối ngoại Công ty Pepsico Việt Nam Vũ Quốc Tuấn giải thích, khi các dự án kinh doanh không thể triển khai, thì nhân viên trong công ty trở nên nhàn rỗi hơn và có điều kiện để tham gia các chương trình đào tạo trong và ngoài nước.
Đào tạo trong doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở những buổi học theo kiểu “cắp sách đến trường, thầy đọc trò chép” như truyền thống mà các bộ phận có thể dạy lẫn nhau. Phòng kế toán dạy cho phòng bán hàng về phương thức tính toán doanh số. Phòng marketing chia sẻ kinh nghiệm về phương thức tiếp cận khách hàng. Phòng nhân sự tư vấn về cách quản lý con người. Thậm chí là sếp dạy cho nhân viên về các phương pháp quản lý.
"Chính những phương thức đào tạo như vậy giúp ích rất thiết thực cho doanh nghiệp, giúp nhân viên chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn mà không một trường lớp nào có được", ông Tuấn nói.
Phan Anh (VnExpress)
Bình luận (0)